ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

KHỞI KIỆN ĐẤT ĐAI SAO CHO ĐÚNG?

TTO – Do không nắm được các quy định pháp luật nên người dân lúng túng trong việc khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến hậu quả khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, sai địa chỉ cùng những hệ lụy đáng tiếc…

datdai

Nhiều trường hợp người dân nhận thấy quyền lợi của họ trong lĩnh vực đất đai bị xâm phạm nhưng không biết khởi kiện ai, ở đâu.

Ông V.T.H. (ngụ Đồng Tháp) có lô đất bị Nhà nước thu hồi và bồi thường. Không đồng ý với các quyết định của UBND huyện, ông H. nhiều lần lên huyện rồi tỉnh để khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Ông H. cho biết muốn khởi kiện chính quyền địa phương hủy các quyết định mà ông cho rằng xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông, nhưng ông không nắm được thủ tục pháp lý và kiện ai, ở đâu.

Kiện ai, ở đâu?

Ở nhiều tỉnh thành, vì vướng quy hoạch mà nhiều chủ sử dụng hợp pháp đất ruộng, đất vườn… không thể xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để xây dựng nhà ở.

Tương tự, nhiều người không được phép tách thửa để chia đất cho con cháu, do trước đó bị phòng TN&MT cấp huyện trả lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất với lý do vị trí đất nằm trong khu quy hoạch.

Đối với những trường hợp này, nếu muốn khởi kiện để được tòa hành chính xem xét lại vụ việc, người dân sẽ kiện phòng TN&MT hay UBND cấp huyện?

Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 59 Luật đất đai thì UBND huyện có thẩm quyền giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Điểm a khoản 1 và khoản 2 điều 1 nghị quyết số 02/2011 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có hướng dẫn để xác định hành vi hành chính bị kiện là đối tượng khởi kiện thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền.

Theo đó, phải xác định đó là hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, chứ không phải của người đã thực hiện hành vi hành chính đó theo sự phân công hoặc ủy quyền, ủy nhiệm.

Từ các cơ sở pháp lý nêu trên, TAND tối cao cho rằng phòng TN&MT chỉ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước như thẩm định hồ sơ về giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất… nên người bị kiện chính là UBND cấp huyện.

Nơi tiếp nhận hồ sơ khởi kiện là TAND cấp huyện.

Xử lý khiếu nại quá hạn

Theo Luật tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Thực tế có nhiều trường hợp vì không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện nên đã khiếu nại đến chủ tịch huyện và được chủ tịch huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết đó của chủ tịch huyện, nên người dân đã khiếu nại tiếp đến chủ tịch tỉnh và được chủ tịch tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Lại không đồng ý với kết quả giải quyết trên, người dân đã khởi kiện quyết định giải quyết của chủ tịch tỉnh trong thời hạn luật định.

Khi giải quyết, ngoài việc bắt buộc phải xem xét quyết định giải quyết của chủ tịch tỉnh, tòa hành chính có “chiếu cố” thêm quyết định giải quyết lần đầu của chủ tịch huyện nếu quyết định này đã quá thời hiệu khởi kiện hay không?

Theo đại diện TAND tối cao, hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp đối với tất cả quyết định hành chính khác có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện, mà không phụ thuộc vào việc các quyết định này còn hay hết thời hiệu khởi kiện.

Theo giải thích của TAND tối cao, Luật tố tụng hành chính cho phép hội đồng xét xử được quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính… quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đồng thời, hội đồng xét xử có quyền quyết định chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có)…

Ai bảo vệ quyền lợi cho chủ tịch tỉnh?

Trước đây, khi bị dân kiện thì chủ tịch tỉnh hay ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới đi hầu tòa, khiến việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự; việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa gặp khó khăn, không hiệu quả.

Để khắc phục việc này, Luật tố tụng hành chính 2015 yêu cầu: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện…” (khoản 3 điều 60).

Có ý kiến thắc mắc: Nếu không được phép ủy quyền cho giám đốc, phó giám đốc sở TN&MT hay giám đốc, phó giám đốc sở tư pháp đi hầu tòa nữa thì chủ tịch tỉnh có quyền mời những người này đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hay không?

Trả lời vấn đề này, đại diện Viện KSND tối cao cho rằng do có đủ các điều kiện theo luật định và không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, thi hành án hay công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành công an nên giám đốc, phó giám đốc sở TN&MT hoặc giám đốc, phó giám đốc sở tư pháp được tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh.

Án phí sơ thẩm khi hủy bỏ quyết định bị kiện

Thực tế cho thấy ở phiên tòa phúc thẩm có nhiều người bị kiện có lẽ thấy nhiều khả năng thua kiện, nên đã chấp nhận hủy bỏ quyết định bị khởi kiện là quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyết định cưỡng chế thu hồi đất… và người khởi kiện đồng ý.

Thế là hội đồng xét xử đã quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án, vậy người khởi kiện có phải chịu án phí hành chính sơ thẩm hay không?

Theo TAND tối cao, tình huống này chưa được pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án quy định.

Tuy nhiên khi xem xét trường hợp này, tòa án cấp phúc thẩm có thể xử lý cụ thể như sau: Nếu bản án sơ thẩm quyết định người khởi kiện phải chịu án phí sơ thẩm thì có thể sửa án sơ thẩm, buộc người bị kiện phải chịu án phí sơ thẩm và trả lại án phí sơ thẩm cho người khởi kiện.

Nếu bản án sơ thẩm quyết định người bị kiện phải chịu án phí sơ thẩm thì tuyên giữ nguyên về phần án phí sơ thẩm theo bản án sơ thẩm.

Thành Nguyên

Nguồn: Báo Tuổi trẻ online (tuoitre.vn)

Tin liên quan

Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí nói về xử lý người chủ mưu trong các vụ án tham nhũng

Sáng 26-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, báo cáo công tác ...

Xem thêm

Kiến nghị xử lý chủ tịch tỉnh, TP vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính

Thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác thi hành án năm 2024 ngày 26-11, đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đánh giá kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính (THAHC) chưa ...

Xem thêm

Từ ngày 1/1/2025 sẽ cấp đổi lại Giấy phép lái xe

Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự ...

Xem thêm