ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn của cổ đông và các trường hợp ngoại lệ theo Luật Doanh nghiệp

(LSVN) – Cổ đông là chủ sở hữu của số cổ phần đã góp vào công ty cổ phần và qua đó thực hiện quyền cổ đông trong hoạt động của công ty. Song song các quyền phát sinh từ việc sở hữu cổ phần, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty được giới hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Tuy nhiên, nếu cổ đông thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật hoặc xâm hại đến lợi ích của công ty hoặc bên thứ ba thì cổ đông sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân của mình với những thiệt hại gây ra, trường hợp đó được gọi là ngoại lệ của nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn. Bài viết phân tích các vấn đề lý luận về nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn của cổ đông, hệ thống hóa và đánh giá quy định về các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này trong pháp luật hiện hành ở Việt Nam.

Cổ đông và nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn của cổ đông

Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần trong công ty cổ phần. Cổ đông thực hiện việc góp vốn bằng tiền hoặc tài sản để mua số lượng cổ phần nhất định. Tài sản là vốn góp của cổ đông sẽ được chuyển sang công ty là chủ sở hữu.

Khi công ty hình thành, cùng với thuộc tính pháp nhân, nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn (TNHH) cũng thể hiện rõ ràng qua việc cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty(1). Kể từ khi được khai sinh, “tư cách pháp nhân” cho phép công ty đó được tồn tại độc lập, có số phận pháp lý, quyền và nghĩa vụ tách biệt khỏi các nhà đầu tư thành lập nên nó. Nói cách khác, khi công ty tham gia vào một giao dịch với bên thứ ba thông qua đại diện pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền, quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch chỉ ràng buộc đối với công ty, những người chủ của công ty sẽ không liên quan(2). Chủ nợ của công ty sẽ không có quyền yêu cầu thanh toán từ tài sản riêng của các cổ đông khi họ đã góp đúng, góp đủ số cổ phần cam kết mua trong bất kỳ tình huống nào, dù công ty không còn tài sản để thanh toán cho các nghĩa vụ nợ.

Các cổ đông sáng lập phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tài sản của công ty là do các cổ đông góp vốn và chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang công ty sở hữu. Tài sản của công ty và tài sản của các cổ đông hoàn toàn tách bạch. Công ty với tư cách là chủ sở hữu các tài sản mà các sáng lập viên góp vào, vì thế nó là chủ thể của các quan hệ pháp luật – có tư cách pháp nhân. Cổ đông có quyền của cổ đông được phát sinh khi sở hữu cổ phần của công ty cổ phần. Sở hữu cổ phần là điều kiện để nhà đầu tư trở thành cổ đông và thụ hưởng các quyền của cổ đông đối với cổ phần, với tổ chức và hoạt động của công ty. Với tính chất như vậy, các quyền của cổ đông được pháp luật quy định gắn liền với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông.

Chế độ TNHH nói đến trách nhiệm của cổ đông đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty. Có nghĩa là, nguyên tắc TNHH chỉ đặt ra đối với các cổ đông chứ không phải công ty, theo đó, giới hạn quyền của chủ nợ của công ty đối với chỉ những tài sản của chính công ty sở hữu, chứ không có quyền đối với những tài sản cá nhân của cổ đông. Công ty trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản của mình. Dựa vào nguyên tắc TNHH, các cổ đông “được bảo vệ bởi một vỏ bọc và không chịu trách nhiệm về các khoản nợ do công ty gây nên. Như vậy, giữa công ty và các chủ sở hữu của nó một bức màn che ngăn cách nhất định”(3). Ở Mỹ, “học thuyết tư cách pháp nhân và học thuyết TNHH là hai học thuyết xương sống để xây dựng định chế pháp lý về công ty cổ phần. Hai học thuyết này đã làm cho công ty cổ phần có sức hấp dẫn các nhà đầu tư từ công chúng sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh mạo hiểm mà không phải lo lắng về trách nhiệm cá nhân”(4).

Các đặc điểm cơ bản của nguyên tắc TNHH của cổ đông

Thứ nhất, nguyên tắc TNHH bắt nguồn trách nhiệm pháp lý bằng tài sản của cổ đông, gắn liền với các quyền và trách nhiệm của cổ đông – là chủ sở hữu số cổ phần trong công ty.

Thứ hai, xuất phát từ đặc trưng của pháp nhân. Các tài sản của pháp nhân ban đầu được hình thành do các thành viên đóng góp hợp thành một khối tài sản riêng biệt với khối tài sản của các thành viên. Tài sản của pháp nhân với tài sản của thành viên tách biệt với nhau. “Khi thực hiện nguyên tắc tách bạch về tài sản cũng là khi xuất hiện một tính pháp lý mới, tách bạch với tính pháp lý của chủ sở hữu hoặc cộng đồng sở hữu”(5). Trong quá trình hoạt động của pháp nhân, nếu người thứ ba có tranh chấp với pháp nhân, thay vì kiện từng thành viên sáng lập, thì chỉ phải kiện pháp nhân ra tòa án có thẩm quyền.

Trong các quan hệ pháp luật, pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, nhưng cũng chỉ bằng toàn bộ tài sản của mình mà thôi. Theo đó, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do đại diện của pháp nhân xác lập, thực hiện vì lợi ích của pháp nhân.

Thứ ba, là một trong những cơ chế bảo vệ của cổ đông. Cổ đông được bảo vệ bởi chế độ TNHH khỏi những hoạt động của công ty. Quyền cổ đông có thể hiểu là quyền của cổ đông được phát sinh khi sở hữu cổ phần tạo nên vốn điều lệ của công ty. Đối với công ty cổ phần, chỉ khi “khẳng định rằng công ty có tài sản độc lập tách bạch với tài sản của cổ đông mới có thể nói đến việc cổ đông chịu TNHH về tài sản đối với công ty”(6).

Tư cách pháp nhân của công ty sẽ “tạo nên một bức màn làm cho người ta không nhận thấy và không đếm xỉa đến những chủ thể quyền khác sinh sống và làm việc trong công ty có tư cách pháp nhân. Cũng như những người ở trong nhà kính vẫn được người ngoài nhìn thấy, nhưng vẫn được bảo vệ tránh mọi xâm nhập từ bên ngoài, các hội viên được mọi người biết đến, nhưng tư cách pháp nhân của công ty đặt họ ra ngoài sự theo đuổi của các chủ nợ của công ty. Tính chất vừa mờ, vừa trong này gây ra những kẽ hở trên bức màn che”(7). “Bức màn che” được hiểu là sự tách biệt của chủ sở hữu khỏi một công ty về mặt trách nhiệm pháp lý. Để xuyên qua được bức màn che này, đòi hỏi cần buộc được các chủ sở hữu của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm với công ty trong một số trường hợp(8).

Như vậy, có thể hiểu chế độ TNHH của cổ đông là chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản tương ứng với số cổ phần sở hữu mà không phải lấy tài sản cá nhân của cổ đông để chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân.

Ngoại lệ về nguyên tắc TNHH của cổ đông trong Luật Doanh nghiệp 2020

Nền tảng của ngoại lệ về nguyên tắc TNHH của cổ đông

Các trường hợp “phá hạn” nguyên tắc TNHH cổ đông hoặc người quản lý đối với các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được gọi là cơ chế “xuyên qua màn che công ty”. Học thuyết xuyên qua màn che công ty là cơ chế pháp lý để buộc các cổ đông của công ty phải chịu trách nhiệm cá nhân về những hậu quả gây ra trong một số trường hợp nhất định.

Về mặt lịch sử, có nghiên cứu cho rằng, cơ chế xuyên qua màn che công ty “piercing the corporate veil” được ghi nhận đầu tiên tại Mỹ vào năm 1912. Xuyên qua màn che công ty là một học thuyết pháp lý được hình thành trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ và liên quan đến các trường hợp “phá hạn” khi áp dụng nguyên tắc TNHH của cổ đông hoặc người quản lý đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty. Trong những trường hợp nhất định, “tòa án sẽ bỏ qua tư cách pháp nhân của công ty mà buộc cổ đông phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty”(9).

Theo học thuyết này, nếu một công ty: “(i) phục vụ mục đích cá nhân của thành viên hoặc cổ đông hoặc người quản lý công ty hoặc (ii) tham gia vào hoạt động lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật, tòa án có thể không chấp nhận tính chất TNHH của công ty với tư cách là một pháp nhân và yêu cầu thành viên hoặc cổ đông hoặc người quản lý có trách nhiệm cá nhân với nghĩa vụ nợ của công ty”(10). Khi cơ chế xuyên qua màn che công ty được áp dụng, tư cách pháp nhân của công ty cũng như tính chịu TNHH của cổ đông của công ty sẽ bị loại bỏ, pháp luật yêu cầu trách nhiệm cá nhân của chủ thể đã thực hiện hành vi sai trái.

Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành, một số nguyên tắc của học thuyết xuyên qua màn che công ty cũng đã được du nhập và quy định trong pháp luật Việt Nam liên quan đến trách nhiệm cá nhân của cổ đông hoặc người quản lý có trách nhiệm cá nhân do hành vi vi phạm pháp luật hoặc xâm hại đến lợi ích của công ty hoặc bên thứ ba. Tuy nhiên thời gian qua, sự ghi nhận học thuyết này trong pháp luật có sự thay đổi đáng kể.

Thực trạng quy định về các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc TNHH đối với cổ đông trong Luật Doanh nghiệp 2020

Trong sự phát triển của Luật Doanh nghiệp ở Việt Nam, có học giả nhận xét rằng “bức tường TNHH tuy mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, song chủ nợ, các thiết chế tư pháp và xã hội Việt Nam đang có những khó khăn khi dung nạp một quan niệm mới mẻ như vậy. Bên cạnh xu hướng hình sự hóa các vụ án kinh tế (tìm mọi cách khởi tố bị can đối với thành viên công ty khi công ty vỡ nợ dưới các tội danh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản), không hiếm khi cơ quan tư pháp địa phương cho phép kê biên tài sản tư nhân của thành viên để thanh toán nợ cho công ty”(11). Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, cổ đông có thể lợi dụng tư cách pháp nhân của công ty cổ phần để thực hiện các mục đích không chính đáng gây thiệt hại cho các chủ thể khác.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định pháp nhân thương mại chỉ chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, không chịu trách nhiệm thay cho người khác đối với nghĩa vụ dân sự do người đó thực hiện mà không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Ngoài ra, quy định tại các Điều 47, 72 và 113 của Luật Doanh nghiệp 2020 một lần nữa cũng xác nhận và nhấn mạnh tính chỉ chịu trách nhiệm giới hạn của nhà đầu tư khi tham gia thành lập công ty.

Có thể nhận thấy, mặc dù Luật Doanh nghiệp 2020 đã không quy định cụ thể như Điều 80 của Luật Doanh nghiệp 2005, nhưng ở một vài điều khác nhau, ngoại lệ của nguyên tắc TNHH của cổ đông thể hiện dưới những khía cạnh sau đây:

Vi phạm trong việc định giá phần góp vốn. Khi thành lập công ty, trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Trong quá trình hoạt động, nếu định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, thành viên hội đồng quản trị cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Cổ đông rút vốn cổ phần đã góp trái pháp luật. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có nghĩa vụ “thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua”. Cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông dưới mọi hình thức, trường hợp có cổ đông rút vốn cổ phần trái quy định thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải chịu trách nhiệm liên đới khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số cổ phần bị rút và thiệt hại xảy ra. Nếu thiệt hại xảy ra lớn hơn vốn góp của cổ đông rút vốn hoặc cổ đông có quyền lợi liên quan thì vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với thiệt hại do hành vi rút vốn gây ra.

Như vậy, cổ đông không được rút vốn ra khỏi công ty cổ phần, mà chỉ được quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác. Đối với cổ đông sáng lập, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác. Nếu chuyển nhượng cho chủ thể không phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.

Cổ đông tham gia quản lý điều hành hoặc đại diện công ty. Những người quản lý bao gồm: chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại điều lệ có nghĩa vụ trung thành với lợi ích của công ty, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của chủ thể khác.

Nguyên tắc TNHH bị “phá vỡ” khi những người quản lý, đại diện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, mang tài sản của công ty dùng vào những hoạt động mà họ biết là trái với lợi ích của công ty, để phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc làm lợi cho một cá nhân, tổ chức khác mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp có quyền lợi liên quan. Cụ thể:

– Thành viên hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định về việc thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

– Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp nhân về việc thực hiện đúng đắn các nghĩa vụ của mình. Nếu hoạt động đó gây thiệt hại cho pháp nhân, thì pháp nhân có quyền yêu cầu người đại diện bồi thường thiệt hại gây ra cho pháp nhân.

– Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định trách nhiệm của người quản lý trong công ty cổ phần khi họ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý. Theo đó, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm trách nhiệm của mình phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba(12). Đây cũng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014.

Khoản 5 Điều 80 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty dưới mọi hình thức để thực hiện một trong các hành vi sau đây: vi phạm pháp luật; tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty”(13). Tuy vậy, nội dung này đã không được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 và 2020.

Việc Luật Doanh nghiệp 2014 và 2020 không quy định về cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty thực hiện hành vi “vi phạm pháp luật hoặc xâm hại lợi ích của công ty” có hai luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng cổ đông vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp tham gia vào hoạt động quản lý, điều hành hoặc đại diện của công ty. Khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc xâm hại lợi ích của công ty thì phải áp dụng quy định tại Điều 165, 166, 167 của Luật Doanh nghiệp 2020, phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba. Nếu cổ đông phổ thông mà không phải là người quản lý, điều hành hoặc đại diện của công ty thì không có quyền nhân danh công ty. Quan điểm thứ hai cho rằng theo quy định hiện hành, thì không có quy định rõ ràng về việc cổ đông (bao gồm cổ đông sáng lập) phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hoạt động của công ty. Mặc dù với các loại hình công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn được quy định tại Điều 50 và Điều 97 Luật Doanh nghiệp 2020.

Có thể thấy rằng các bất cập của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của cổ đông trong quá trình hoạt động của CTCP thể hiện ở các khía cạnh sau:

Quy định về trách nhiệm của cổ đông dàn trải: Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể về các trường “phá hạn” chế độ TNHH của cổ đông mang tính tập trung như Luật Doanh nghiệp 2005 mà lại quy định ở các điều khác nhau. Việc này dẫn đến thực trạng khó khăn trong quá trình áp dụng cơ sở pháp lý chứng minh cho ngoại lệ về nguyên tắc TNHH của cổ đông trong thực tiễn.

Chưa bao quát được các trường hợp phá hạn TNHH của cổ đông như: cổ đông sử dụng tài sản của công ty cho mục đích cá nhân của cổ đông, sử dụng tài sản của công ty như là tài sản riêng của mình; cổ đông không góp vốn mua cổ phần như cam kết, dẫn đến công ty không có đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ đối với chủ nợ; cổ đông hoặc nhóm cổ đông kiểm soát các chính sách, quyết định về các hoạt động của công ty dẫn đến công ty không có tính độc lập của một chủ thể quan hệ pháp luật; cổ đông sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, lẩn tránh nghĩa vụ pháp lý theo quy định của pháp luật hoặc theo hợp đồng tham gia với tư cách pháp nhân của công ty.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hiện nay chưa phân định rõ ràng hơn nữa về “trách nhiệm pháp nhân công ty và trách nhiệm của cá nhân cổ đông”, cũng như các trường hợp “trách nhiệm liên đới giữa công ty và cổ đông” tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý cho việc áp dụng trong thực tiễn thi hành và để tránh trường hợp công ty thoái thác trách nhiệm do cổ đông gây ra.

Kết luận

Trong hoạt động của công ty cổ phần, nhiều trường hợp cổ đông có thể phải chịu trách nhiệm đến cùng bằng tài sản cá nhân của mình nếu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm hại đến lợi ích hợp pháp của công ty hoặc bên thứ ba. Tuy vậy, các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay về các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc TNHH vẫn chưa rõ ràng, chưa bao quát các trường hợp mà cổ đông phải chịu trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của công ty cổ phần. Vì vậy, nhu cầu cần thiết tiếp nhận một cách toàn diện, đầy đủ các học thuyết pháp lý nói chung, học thuyết TNHH của cổ đông và học thuyết “xuyên qua màn che công ty” nói riêng vừa nhằm bảo đảm các quyền của cổ đông, nhưng cũng gắn trách nhiệm cá nhân của cổ đông trong những trường hợp cụ thể. Đây cũng là xu hướng nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn thiện và hội nhập kinh tế quốc tế của pháp luật về doanh nghiệp hiện nay.

TS. NGUYỄN VĂN LÂM

Viện Kinh tế và quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

Nguồn Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tin liên quan

Vướng mắc về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất

Do vậy, mặc dù hợp đồng vay không ghi lãi suất nhưng các bên thừa nhận lãi suất thỏa thuận miệng lãi suất 6%/ tháng. Nhưng các bên không thừa nhận về việc đã trả lãi và có tranh chấp về lãi suất. Do ...

Xem thêm

Một số góp ý xây dựng quy định về trách nhiệm của Trọng tài viên khi sửa Luật Trọng tài thương mại

(Pháp lý). Nghiên cứu Luật Trọng tài Thương mại ( TTTM) hiện hành hiện thiếu vắng quy định cụ thể về trách nhiệm hay giới hạn trách nhiệm cho trọng tài viên. Điều này có thể dẫn tới những hệ quả. Do ...

Xem thêm

Bất cập quy định định giá tài sản khi góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp

Pháp lý) – Pháp luật về doanh nghiệp quy định ngoài tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, các tổ chức và cá nhân được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ ...

Xem thêm