Bất cập quy định định giá tài sản khi góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp
Tài sản góp vốn không phải là ĐVN phải thỏa mãn 4 điều kiện
Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn: “1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam; 2) Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật”.
Hiểu theo quy định trên của pháp luật thì tổ chức, cá nhân muốn sử dụng tài sản góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 2 điều kiện: (i) Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam và các loại tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam; (ii) Tài sản đó phải được sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp bởi chủ thể có nhu cầu góp vốn. Đến thời điểm này, các loại tài sản góp vốn được định danh tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp (bao gồm ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật) và kể cả tài sản khác chưa được định danh như góp vốn bằng cổ phiếu chứng khoán … đều đã được điều chỉnh bằng hành lang pháp lý trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ở Việt Nam, mô hình hoạt động của Công ty cổ phần quản lý và đầu tư bất động sản VMI (VMI JSC) góp vốn vào bằng tài sản là cổ phiếu giống như một hình thức mua chung BĐS, tức là chia nhỏ giá trị BĐS thành nhiều phần, mỗi nhà đầu tư có thể góp vốn từ vài triệu, vài chục triệu hoặc vài trăm triệu đồng. Trước VMI JSC, thị trường đã có nhiều mô hình công ty cung cấp hoạt động đầu tư mua chung BĐS trên nền tảng trực tuyến. Trên thế giới, một số công ty đã vận hành mô hình này như Fundrise, DomaCom, CoVESTA, Property Share. Còn Việt Nam có Houze Invest, Infina, Moonka, Sunshine Finance….
Điều 4 và Điều 13 Luật Chứng khoán 2019, quy định: “Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh…”; và “mệnh giá chứng khoán chào bán trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ghi bằng Đồng Việt Nam”.
Tuy nhiên, nếu như tài sản góp vốn là cổ phiếu, ngoại tệ tự do chuyển đổi, hoặc là vàng được định giá rõ ràng (thông qua thị trường giao dịch và tỷ giá chuyển đổi) trước khi góp vốn; thì trái lại đối với tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ, kể cả là quyền sử dụng đất, thì việc xác định giá trị tài sản còn phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận” (theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020). Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn còn phải làm thủ tục “chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật” (theo Điều 35 Luật DN). Như vậy, tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam phải thỏa mãn đủ 4 điều kiện mới hoàn tất thủ tục góp vốn vào doanh nghiệp, đó là: Phải định giá được bằng Đồng Việt Nam; là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp; phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận; và hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó.
Đối chiếu với quy định trên, cổ phiếu không nhất thiết phải trải qua công đoạn định giá của các thành viên, cổ đông sáng lập , nhưng bắt buộc phải trải qua thủ tục chuyển quyền sở hữu và phải hoàn thành thủ tục giao dịch tại Trung tâm lưu ký chứng khoán thì mới được coi là hoàn tất thủ tục pháp lý.
Một số bất cập của quy định pháp luật
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, đối với tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam thì phải trải qua bước định giá, bởi sự thẩm định của các thành viên, cổ đông sáng lập; hoặc sự chấp thuận của trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập đối với kết quả của tổ chức thẩm định giá định giá. Nội dung luật điều chỉnh của Luật DN cho thấy phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của các thành viên, cổ đông sáng lập, dễ làm phát sinh mặt trái. Nếu động cơ thành lập doanh nghiệp là tích cực thì các thành viên, cổ đông sáng lập định giá tài sản góp theo hướng có lợi và cũng không cần phải trải qua bước lựa chọn vai trò của tổ chức thẩm định giá, và ngược lại.
Mặc dù vậy, ý chí của các thành viên, cổ đông sáng lập sẽ bị hạn chế quyền nếu như không có thêm quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật DN 2020: “Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế”. Quy định như vậy là để ràng buộc trách nhiệm của các thành viên, các cổ đông sáng lập trong định giá với mong muốn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất về chênh lệch giá trị tài sản. Song lại trở thành con dao hai lưỡi…
Theo Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), nếu như vì động cơ “không trong sáng” thì các thành viên, cổ đông sáng lập dễ dàng tìm được tiếng nói đồng thuận trong định giá tài sản (nhất là tài sản về quyền sở hữu trí tuệ) cao hơn giá trị thực gấp nhiều lần. Toàn bộ số tiền góp vốn, sau một thời gian quay vòng và “lưu trữ” trong tài khoản doanh nghiệp, sẽ dễ dàng được rút ra thông qua hình thức chuyển nhượng vốn góp, phù hợp theo quy định chuyển nhượng vốn góp của Luật Doanh nghiệp.
Ngay cả trường hợp nếu các thành viên, cổ đông sáng lập lựa chọn định giá tài sản góp vốn thông qua tổ chức thẩm định giá thì cũng không khả thi về xác định giá trị thực (nhất là tài sản góp vốn là quyền SHTT). Không khả thi không chỉ vì do kết quả định giá của tổ chức thẩm định giá vẫn phụ thuộc vào quyết định của trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập mà còn là vì rất khó tìm được tổ chức thẩm định có tâm và có kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan như thương mại, sở hữu trí tuệ cũng như khả năng phân tích biến động của thị trường.
Những bất cập nêu trên chắc chắn sẽ gây tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi những kịch bản xấu có thể xảy ra trong tương lai. Khi đó kịch bản tồi tệ nhất đối với mỗi doanh nghiệp chắc chắn là việc không còn khả năng thanh toán các khoản nợ và tuyên bố phá sản. Trong tình huống đó, trách nhiệm của các cổ đông, các thành viên góp vốn bằng những tài sản trí tuệ như nhãn hiệu hay sáng chế sẽ được xác định như thế nào? Ai sẽ phải gánh chịu nghĩa vụ trả nợ khoảng chênh lệch của tài sản ở thời điểm góp vốn và thời điểm công ty phá sản ? “Trong khi, pháp luật hiện nay chưa xác định rõ tỷ lệ trách nhiệm bồi thường giữa bên góp vốn và người định giá hoặc tổ chức định giá khi xảy ra chênh lệch. Đây thực sự là một bất cập lớn trong hành lang pháp luật quy định ở nước ta hiện nay”, Luật sư Khiết nhấn mạnh.
Trong quá khứ cũng đã từng xảy ra vụ kiện về quyền góp vốn bằng nhãn hiệu “dở khóc dở mếu”. Doanh nghiệp T góp vốn vào Công ty A (là một doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa) hơn 2.000 cổ phần, trị giá hơn 3 tỷ đồng, (trong đó bao gồm giá trị nhãn hiệu đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ 10 năm, được các cổ đông sáng lập thống nhất định giá 2 tỷ đồng). Hết thời hạn 10 năm, Công ty A triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định loại trừ giá trị nhãn hiệu của doanh nghiệp T, đồng thời phát hành bổ sung cổ phần với giá trị là 2 tỷ đồng, yêu cầu doanh nghiệp T phải nộp bổ sung số tiền tương đương, nếu như muốn giữ nguyên quyền sở hữu chiếm 9% vốn điều lệ.
Vụ kiện không thấy đề cập đến kết quả cuối cùng, nhưng rõ ràng là việc Công ty A yêu cầu doanh nghiệp T phải góp bù lại 2 tỷ đồng là phi lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp T. Bởi theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp và các Điều 142, 143, 144 Luật SHTT, các bên chắc chắn đã ký kết với nhau hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu có thời hạn 10 năm và thỏa thuận rằng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu trong thời hạn này (2 tỷ đồng) đổi lấy quyền sở hữu của doanh nghiệp T đối với 2.000 cổ phần của Công ty A. Thỏa thuận này là phù hợp với quy định pháp luật. Do đó việc Công ty A sử dụng và khai thác nhãn hiệu như thế nào trong thực tiễn, có sử dụng không, có hiệu quả hay không đều không ảnh hưởng đến số cổ phần mà doanh nghiệp T đang nắm giữ.
Từ thực trạng bất cập trên, rất cần có hành lang pháp lý hoàn thiện về định giá tài sản không phải là Đồng Việt Nam khi góp vốn vào các doanh nghiệp, nhất là việc định giá tài sản trí tuệ đang gặp nhiều khó khăn và khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Bởi xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và tính sinh lời của loại tài sản đặc biệt này. Ngay khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì người sở hữu cũng không tính hết được tính hữu dụng và khả năng sinh lời trong tương lai của tài sản mà mình được sở hữu, nó chỉ được thể hiện giá trị qua thời gian và mức độ chấp nhận của xã hội.
Vì vậy để hạn chế những tranh chấp không đáng có trong những câu chuyện về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên trong vấn đề góp vốn bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi lại Điều 34 Luật Doanh nghiệp theo hướng, thay vì để cho doanh nghiệp tự lập ra hội đồng thẩm định hoặc cho phép những tổ chức định giá bất kỳ tiến hành thẩm định giá; cần khuyến cáo tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không phải là Đồng Việt Nam phải qua khâu định giá tài sản là tổ chức thẩm định giá và xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Kết quả định giá của tổ chức thẩm định giá là kết quả cuối cùng để các thành viên, cổ đông sáng lập xác định tỷ lệ vốn góp điều lệ chứ không phải để tham khảo.
Đồng thời quy định, doanh nghiệp thẩm định giá tài sản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của số liệu thẩm định. Nếu trong quá trình vận hành của doanh nghiệp phát sinh rủi ro, mà rủi ro đó có liên quan đến việc do định giá tài sản không chính xác (chênh lệch quá lớn so với giá trị thực của tài sản định giá), thì tổ chức thẩm định giá phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại, nếu có.
Những mặt trái phát sinh từ vụ tranh chấp quyền SHTT đối với nhãn hiệu giữa Công ty A và doanh nghiệp T nói trên, cũng cần phải định vị lại việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, theo hướng tùy vào thỏa thuận góp vốn là chuyển giao quyền sở hữu hay quyền sử dụng mà doanh nghiệp nhận góp vốn sẽ thiết lập quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với tài sản trí tuệ. Đổi lại, bên góp vốn sẽ nhận được phần vốn góp trong doanh nghiệp, tách bạch đối với tài sản trí tuệ đã góp. Khi đó đối với trường hợp góp vốn bằng việc chuyển nhượng quyền sở trí tuệ, khi hết thời hạn bảo hộ với quyền sở hữu trí tuệ, phải được coi như công ty đã sử dụng hết giá trị của tài sản góp vốn. Việc hết thời hạn bảo hộ sẽ không ảnh hưởng đến quyền sở hữu của thành viên đối với phần vốn góp của họ trong công ty – đã được ghi nhận bằng giấy chứng nhận phần vốn góp…
Vũ lê Minh – La Sơn
Nguồn: Tạp chí pháp luật: https://phaply.net.vn/
Tin liên quan
Hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc
Qua nghiên cứu Luật tổ chức Tòa án và Luật Thẩm phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả xin giới thiệu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của quốc gia này, đây có ...
Xem thêmQuy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
Dựa trên các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định của các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, tác giả kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015: Mở rộng đối ...
Xem thêmĐiều khoản “Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” trong hợp đồng xây dựng quốc tế
Điều khoản “miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” là một công cụ pháp lý thường được sử dụng trong các hợp đồng xây dựng quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề về tính hợp pháp của điều khoản này ...
Xem thêm