ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính ở Việt Nam

          Trên cơ sở trình bày, phân tích nhận thức chung về tranh tụng trong tố tụng hành chính, đặc trưng, vai trò của tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, tác giả bình luận, đưa ra một số giải pháp về mặt pháp lý và tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ trong xét xử sơ thẩm vụ án hành chính nhằm làm căn cứ để xác định sự thật vụ án, cơ sở để Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định đúng đắn, khách quan, hợp pháp.

           Tranh tụng tại phiên tòa hành chính là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hành chính được quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã cụ thể hóa khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 về “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 liên quan đến hoạt động tố tụng và cải cách tư pháp là “đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công bằng, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Đó cũng là yêu cầu cấp bách đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ trong xét xử sơ thẩm vụ án hành chính nhằm làm căn cứ để xác định sự thật vụ án, cơ sở để hội đồng xét xử ra bản án, quyết định đúng đắn, khách quan, hợp pháp.

        1. Một số vấn đề chung về tranh tụng quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015

          So với Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng là bắt buộc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn trong việc xét xử. Cụ thể, Điều 175 đã quy định rõ nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa. Với phương thức này, các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đều được bình đẳng, chủ động và công khai đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý, lập luận và đối đáp với nhau để làm rõ sự thật khách quan của vụ án hành chính. Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt ý kiến không liên quan đến vụ án. Tòa án phải sử dụng kết quả tranh tụng giữa các bên đương sự để giải quyết vụ án hành chính một cách khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Đây là một phương thức bảo đảm dân chủ và công bằng trong tố tụng hành chính.

           Điều 18 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về bảo đảm tranh tụng trong xét xử cũng quy định rõ Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định. Một quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hành chính được thể hiện tại Điều 177 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về thứ tự hỏi là sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, thứ tự hỏi của từng người được thực hiện như sau: Người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người tham gia tố tụng khác; chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân; kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lặp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng. So với trước đây, quy định về trình tự xét hỏi quy định tại Điều 171 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có sự thay đổi tích cực và hợp lý hơn tạo sự chủ động trong việc hỏi để khai thác các chứng cứ, tránh sự áp đặt ý chí của Tòa án. Bên cạnh đó, khoản 19 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 còn quy định thêm việc đương sự có quyền “đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề có liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng”.

        Để làm rõ nội dung và phương thức tranh tụng, cần phân tích làm rõ một số đặc trưng của tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính như sau:

Thứ nhất, chủ thể tranh tụng chỉ bao gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

          Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, chủ thể của tranh tụng là các bên trong vụ án – là người khởi kiện và người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Các bên đều được bình đẳng, chủ động và công khai đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý, lập luận và đối đáp để chứng minh, biện luận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hành chính quy định. Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng điều hành, giám sát quá trình tranh tụng mà không tranh tụng với các bên đương sự, Tòa án sử dụng kết quả tranh tụng để giải quyết vụ án hành chính một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Thứ hai, về phạm vi tranh tụng là các vấn đề cần làm rõ để xác định sự thật khách quan của vụ án
          Các vấn đề cần làm rõ có thể là “chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự trong vụ án”[1] hoặc những vấn đề mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa các đương sự cần được Tòa án phân xử. Việc tranh tụng bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án, các bên đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ và nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp. Việc tranh tụng kết thúc khi vụ án đã được giải quyết. Như vậy, phạm vi tranh tụng là giới hạn tất cả các vấn đề mà các bên tham gia tranh tụng cần làm rõ bằng các chứng cứ, tài liệu, căn cứ pháp lý, lập luận để Hội đồng xét xử có thể nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, chính xác nhất sự thật của vụ án hành chính.

Thứ ba, nội dung và phương thức tranh tụng

          Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, về quan hệ tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự. Quá trình tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành một cách công khai, trực tiếp và bằng lời nói. Tranh tụng ngoài phiên tòa là các hoạt động thu thập, giao nộp chứng cứ tài liệu, quyền yêu cầu được tiếp cận tài liệu. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Thứ tư, ý nghĩa của tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính

           Trước hết, việc quy định rõ nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính bảo đảm cho đương sự được bình đẳng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án, từ đó, góp phần cho việc ra các bản án, quyết định của Tòa án khách quan, có căn cứ và đúng pháp luật. Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính còn thể hiện rõ tính chất dân chủ, công khai và minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, củng cố lòng tin của người dân, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hành chính.
          Như vậy, việc bổ sung các quy định trên đã xác định rõ và đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia tranh tụng, đảm bảo cho đương sự quyền và nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án. Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, khi chưa có quy định cụ thể trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015, khái niệm “tranh tụng” mới chỉ được hiểu là việc tranh luận tại phiên tòa và chỉ thể hiện trong những vụ án có luật sư tham gia hoặc trong những vụ án mà đương sự có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định, hoặc bên bị kiện cử người có đủ thẩm quyền, nắm rõ sự việc liên quan đến khiếu kiện tham gia phiên tòa. Những vụ án mà người khởi kiện có điều kiện kinh tế khó khăn, không thuê luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình hoặc những vụ án mà bên bị kiện ủy quyền cho người không phải là người quản lý, điều hành lĩnh vực liên quan đến khiếu kiện thì việc tranh tụng tại phiên tòa chưa bảo đảm. Hiện nay, tại hầu hết các Tòa án, quá trình tố tụng vẫn diễn ra theo lối mòn đó là xét hỏi. Những quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã làm hạn chế vai trò của đương sự, thể hiện ở trình tự phiên tòa là xét hỏi trước rồi mới đến tranh luận, số lượng các điều luật quy định vấn đề xét hỏi nhiều hơn hẳn so với các quy định về vấn đề tranh luận. Thủ tục hỏi bắt đầu từ phía Hội đồng xét xử, khi các bên muốn hỏi phải được sự đồng ý của Hội đồng xét xử. Không ít phiên tòa, Hội đồng xét xử hạn chế thời gian tranh luận của các bên đương sự… Chính vì vậy, công tác xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân và xã hội, ảnh hưởng đến việc bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân. Do đó, nguyên tắc tranh tụng được vận dụng trong xét xử án hành chính chưa mang lại hiệu quả cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp đã đề ra.

      2. Một số giải pháp bảo đảm hiệu quả nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính

         Tranh tụng là nguyên tắc quan trọng trong tố tụng nói chung và xét xử hành chính nói riêng. Để đảm bảo cho nguyên tắc tranh tụng được thực hiện đầy đủ tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính nhằm giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng, cần thiết phải có một hệ thống các bảo đảm về mặt pháp lý cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện. 

Thứ nhất, bảo đảm về mặt pháp lý

          – Ghi nhận rõ nội dung và các cơ chế pháp lý đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai. Chiến lược Cải cách tư pháp đã nhấn mạnh việc “đẩy mạnh tranh tụng tại Tòa án”. Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phải được đảm bảo”. Vì vậy, trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cần cụ thể hóa và quy định chặt chẽ nội dung và phương thức tranh tụng, đặc biệt là tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện có hiệu quả.
          – Để thực hiện tốt nguyên tắc này trong phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, Luật cần quy định rõ ràng về quyền và địa vị pháp lý để đương sự thực hiện quyền tranh tụng như: Quy định quyền, nghĩa vụ, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh; coi trách nhiệm thu thập chứng cứ của đương sự là nội dung trọng tâm. Một vấn đề khác, để tranh tụng thực sự dân chủ, công bằng, khách quan, thì các tài liệu, chứng cứ trong vụ án phải được minh bạch, công khai, các bên đương sự đều có quyền và điều kiện tiếp cận như nhau. Các quy định đầy đủ, hợp lý và khả thi về địa vị tố tụng của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa để họ có điều kiện, khả năng thực hiện các nội dung tranh tụng theo chức năng, nhiệm vụ hoặc lợi ích của mình, như được chủ động thu thập vật chứng, được xét hỏi những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người làm chứng trong giai đoạn điều tra, được yêu cầu cung cấp tài liệu
           – Xác định rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử thực hiện vai trò điều khiển tranh tụng trong phiên tòa hành chính, để bảo đảm chất lượng tranh tụng, chủ tọa phiên tòa phải là người xác định những nội dung cần tranh tụng (căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đề xuất của các bên đương sự); chủ tọa phiên tòa là người điều hành việc tranh tụng và bảo đảm rằng, các bên đương sự phải nêu quan điểm, lập luận của mình trong từng vấn đề đã được xác định. Mặc dù họ không phải là một bên tranh tụng nhưng với vai trò thực thi công lý, họ phải có kỹ năng điều hành, hướng dẫn các bên thực hiện việc tranh tụng đi vào trọng tâm, hiệu quả. Muốn vậy, thẩm phán phải là người có kiến thức chuyên sâu, thành thục kỹ năng và nghiệp vụ xét xử, tranh tụng và có đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có các biện pháp để xây dựng, nâng cao năng lực chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng xét xử cho đội ngũ thẩm phán đáp ứng yêu cầu tranh tụng trong xét xử hành chính, đồng thời, chú trọng việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ hội thẩm nhân dân đáp ứng các yêu cầu tranh tụng trong tố tụng hành chính.

         – Quy định thủ tục tố tụng bình đẳng, đảm bảo để các bên tham gia tố tụng được xét hỏi, tranh luận một cách khách quan, công bằng và bình đẳng, phát huy vai trò của các bên trong việc hỏi, tranh luận và đối đáp trước Tòa. Các bên phải tích cực trong tranh tụng và đó là cơ sở để Tòa ra phán quyết giải quyết vụ án. Mở rộng phạm vi các vụ án có sự tham gia bắt buộc của luật sư.

Thứ hai, bảo đảm về mặt tổ chức

           – Cần đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền về Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản pháp luật, đặc biệt là quyền được tranh tụng một cách cụ thể và sâu rộng để người dân hiểu biết về pháp luật tố tụng hành chính, giúp cho họ có sự chuẩn bị cần thiết các điều kiện, tiền đề khi tham gia vào tố tụng nhằm có thể thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời, giúp cho xã hội có sự hiểu biết pháp luật để có thể giám sát, đánh giá khách quan về hoạt động tranh tụng trong xét xử hành chính. Nâng cao trình độ, nhận thức người tham gia tố tụng, đảm bảo cho họ có đủ kiến thức, năng lực, khả năng diễn đạt để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa. Những trường hợp người tham gia tranh tụng không có khả năng đó thì nhất thiết phải được sự trợ giúp của luật sư.
           – Hình thành các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp với chức năng hợp lý phù hợp với cơ chế tranh tụng. Đặc biệt, để việc tranh tụng có hiệu quả cần nâng cao vai trò của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tranh tụng được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên  tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Trong xét xử các tranh chấp hành chính, đương sự là người khởi kiện, một số trường hợp trình độ còn hạn chế, trong khi đó, người bị kiện là những người nắm và hiểu rõ các quy định pháp luật, có trình độ nên cần có sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý nhằm hỗ trợ bên khởi kiện là bên yếu thế hơn. Muốn vậy, cần tăng cường các tổ chức luật sư, mở rộng phạm vi bào chữa để đảm bảo các phiên tòa có sự tham gia của người bào chữa ngày càng nhiều. 
          – Bảo đảm cơ sở vật chất cho quá trình tranh tụng. Việc người dân đứng ra kiện trước Toà án những hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước là một quan hệ không bình đẳng. Vị trí của các bên tại phiên tòa thế nào để đảm bảo không khí tố tụng bình đẳng, khách quan, tạo điều kiện cho các bên dễ dàng tiếp xúc trong quá trình tố tụng, hệ thống âm thanh, hình ảnh thuận tiện cho việc theo dõi tiến trình tố tụng là những điều kiện rất cần thiết cho tranh tụng cần được nghiên cứu.
         Tóm lại, việc quy định Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử tranh chấp hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã xác định rõ và đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia tranh tụng. Quy định này thực sự đảm bảo cho đương sự quyền và nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động xét xử nhằm xây dựng nền tư pháp vững mạnh, trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

ThS. Nguyễn Thị Hà
Khoa Luật, Đại học Vinh

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn).

Tin liên quan

Hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc

Qua nghiên cứu Luật tổ chức Tòa án và Luật Thẩm phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả xin giới thiệu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của quốc gia này, đây có ...

Xem thêm

Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định của các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, tác giả kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015: Mở rộng đối ...

Xem thêm

Điều khoản “Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” trong hợp đồng xây dựng quốc tế

Điều khoản “miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” là một công cụ pháp lý thường được sử dụng trong các hợp đồng xây dựng quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề về tính hợp pháp của điều khoản này ...

Xem thêm