ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử tranh chấp về hợp đồng tín dụng

1. Cơ sở pháp lý cho việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử tranh chấp về hợp đồng tín dụng tại Việt Nam
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD) thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc được cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng về vốn, nên họ phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong quá trình thực hiện hợp đồng đã phát sinh tranh chấp, dẫn đến phải đưa ra cơ quan tài phán để giải quyết. Thẩm phán cấp huyện, vốn phải dàn trải để giải quyết tất cả các loại vụ việc từ hình sự, hành chính, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình cho đến kinh tế, khó có thể đáp ứng trọn vẹn yêu cầu, có những tranh chấp cụ thể mà pháp luật quy định chưa rõ hoặc chưa có quy định, điều này gây khó cho các thẩm phán khi xét xử. Do đó, việc áp dụng án lệ được coi là “chìa khóa” để góp phần khắc phục những khiếm khuyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Kể từ khi được áp dụng trong việc xét xử, án lệ đã góp phần tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, tránh việc người dân đi khiếu nại, tố cáo khi những vụ án tương tự cùng một Tòa án lại có sự khác nhau khi xét xử.
Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010 đã xác định: “Tòa án nhân dân  tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Ngoài ra, theo điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thì Tòa án nhân dân tối cao có quyền lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết, phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Án lệ chính thức được áp dụng tại Việt Nam theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, án lệ được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các quyết định công bố 29 án lệ áp dụng trong các lĩnh vực như: Hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động… Cụ thể, Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 công bố 06 án lệ, Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 công bố 04 án lệ, Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017 công bố 06 án lệ, Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 công bố 10 án lệ, Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09/9/2019 công bố 03 án lệ. Trong đó, Án lệ số 08/2016/AL về tranh chấp hợp đồng tín dụng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (được xây dựng trên cơ sở Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
2. Áp dụng Án lệ số 08/2016/AL vào xét xử tranh chấp hợp đồng tín dụng
Hoạt động cho vay là hoạt động chủ yếu mang lại nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng, song đây cũng là hoạt động tiềm ẩn những rủi ro vô cùng lớn, nếu thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng cao, vì thế, các tranh chấp phát sinh từ HĐTD thường xảy ra với số lượng và tỷ lệ lớn hơn so với các hợp đồng khác với nhiều nội dung về lãi suất, nợ gốc, nợ lãi, việc giải ngân, xử lý tài sản đảm bảo, thế chấp… Sự ra đời của Án lệ số 08/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng (Án lệ số 08/2016/AL) đã tạo dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD một cách hiệu quả, góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy cho hoạt động tài chính ngân hàng phát triển lành mạnh.
Hoạt động cho vay giữa một bên là TCTD (bên cho vay) và một bên là cá nhân, pháp nhân (khách hàng vay) hiện nay được áp dụng theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). Kể từ khi có hiệu lực, Án lệ số 08/2016/AL đã giúp Ngành Tòa án áp dụng đối với 57 bản án về tranh chấp HĐTD về các vấn đề sau:
– Mức lãi theo thỏa thuận
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay (khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN). Theo Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam năm 2010 và khoản 2, khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ được “cởi trói” thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Trong khi đó, khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn 20%/năm. Đây là quy định đã gây ra nhiều tranh luận và làm khó các thẩm phán khi chưa có sự thống nhất các hiểu quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.
Hoạt động tín dụng là một hoạt động cho vay vốn được ví như việc bán chịu một loại hàng hóa đặc biệt, đó là tiền tệ. Do đó, mọi hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng được áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan. Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của các TCTD, theo đó, TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD; TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật.
Qua viện dẫn nêu trên, thì cả Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đều có cụm từ “thỏa thuận về lãi suất… theo quy định của pháp luật”. Sự quy định theo yếu tố theo thỏa thuận đã gây khó khăn cho thẩm phán khi xét xử. Bởi lẽ, khó phân biệt trong những trường hợp nào thì sẽ áp dụng quy định lãi suất tại Bộ luật Dân sự năm 2015? Lãi suất vay tại các ngân hàng hoặc các công ty tài chính có phải áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 không hay chỉ áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010? Hệ quả pháp lý của việc các bên trong hợp đồng vay có sự “thỏa thuận” lãi suất vượt quá thì được giải quyết như thế nào? Nếu cả hai trường hợp trên đều không áp dụng được, thì cơ sở nào để áp dụng mức lãi suất “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”? Việc quy định lãi suất như vậy liệu có đảm bảo quyền lợi cho người đi vay không?
Sự ra đời của Án lệ số 08/2016/AL góp phần giải quyết sự bất cập, chưa thống nhất giữa quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng cùng các văn bản liên quan. Cụ thể: Hợp đồng tín dụng số 20150127-126003-0022 ký ngày 27/01/2015 giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP V với bị đơn là anh Nguyễn Thành T mặc dù mức lãi suất theo thoả thuận là 5%/tháng, song do đây là hợp đồng phát sinh trong trường hợp có 02 văn bản quy phạm pháp luật cùng do Quốc hội ban hành và đang cùng có hiệu lực thi hành lại có quy định khác nhau về cùng một vấn đề là lãi suất. Đó là, quy định về lãi suất tại khoản 1 Điều 486 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định về lãi suất tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. TCTD thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư phát triển và đời sống có hiệu quả.
Từ các quy định của pháp luật nêu trên, việc Ngân hàng TMCP V cho anh T vay theo Hợp đồng tín dụng số 20150127-126003-0022, với mức lãi suất thoả thuận 5%/tháng là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, việc Toà sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàng TMCP V với mức lãi suất 20%/năm theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 đồng thời trên cơ sở theo Án lệ số 08/2016/AL, thì trong HĐTD, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: Lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo HĐTD. Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng, TCTD khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, TCTD cho vay.
– Nghĩa vụ lãi chậm trả
Theo khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả.
Theo khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Trong đó, mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 được tính bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này là 20%/năm nên được xác định là 10%/ năm tương ứng với 0.83 %/ tháng. Nên lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận = (nợ gốc x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời hạn hợp đồng vay. Trường hợp chậm trả thì lãi suất chậm trả = (nợ gốc x lãi suất vay theo hợp đồng tính theo tháng) x thời hạn vay tính theo tháng x 0.83%/tháng x thời gian chậm trả tính theo tháng.
Theo một số thẩm phán, khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 là mới và diễn đạt quá ngắn gọn nên tương đối khó hiểu và khó áp dụng, lúng túng khi thực hiện việc xét xử[1]. Do đó, Án lệ số 08/2016/AL quy định “khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này” đã góp phần làm rõ một quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
– Mức lãi trên nợ gốc quá hạn
Đối với trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ, điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tức là, lãi trong trường hợp này =  nợ gốc x (150% x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời gian quá hạn. Cách tính mức lãi suất như vậy đã khá cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng; các bên tham gia giao dịch vay tài sản có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi ký xác lập và thực hiện hợp đồng phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, trong hoạt động vay tín dụng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018) lại có quy định khác so với Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều 91 của Luật này quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, như sau:
“1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.
Theo khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, thì khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Vậy lãi suất vay tại các ngân hàng, TCTD hoặc các công ty tài chính áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 hay áp dụng luật khác khi luật có liên quan quy định khác?
Theo Án lệ số 08/2016/AL, thì trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: Lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo HĐTD. Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng, tổ TCTD khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, TCTD cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, TCTD cho vay.
Thực tế đã được Tòa án nhân dân huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên áp dụng xét xử Bản án số 01/2018/KDTM-ST ngày 06/02/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, riêng phần tính lãi suất sẽ áp dụng Án lệ số 08/2016/AL.
– Lãi suất khi người có nghĩa vụ chậm thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án
Khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này. Theo khoản 2 Điều 468 thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 đó là lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trong khi đó, điểm c khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định: Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Ngoài ra, theo Điều 20 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, thì TCTD chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Việc xác định nợ gốc quá hạn gồm: Nợ gốc đến hạn không trả được và nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được, không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Do đó, khi xác định lãi suất chậm thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp tranh chấp là tranh chấp HĐTD thì áp dụng theo Án lệ số 08/2016/AL: Đối với các khoản tiền vay của tổ chức ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo HĐTD tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong HĐTD, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.
Điều này được áp dụng tại Bản án số 55/2017/DS-ST ngày 04/07/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng của Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm công khai Vụ án thụ lý số 436/2016/TLST-DS ngày 23/12/2016 giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á và bị đơn là ông Võ Chí C ở xã A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Hội đồng xét xử xét thấy, trong giấy đăng ký vay tiền trả góp (kiêm khế ước nhận nợ) ngày 19/4/2011 có thỏa thuận mức lãi suất cho vay trong hạn và lãi suất nợ quá hạn. Do ông Võ Chí C vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày 05/7/2017), ông Võ Chí C phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong giấy đăng ký vay tiền trả góp (kiêm khế ước nhận nợ) ngày 19/4/2011 cho đến khi ông Võ Chí C thanh toán xong khoản nợ gốc là phù hợp với Án lệ số 08/2016/AL.
Như vậy, có thể thấy, sự ra đời Án lệ số 08/2016/AL đã xác định rõ lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tài sản, xác định thời điểm xét xử sơ thẩm, thời gian chậm trả… và giúp thống nhất trong việc xét xử trong hợp đồng tín dụng, đưa hoạt động tín dụng ngân hàng phát triển đúng hướng, lành mạnh, an toàn, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy
Khoa Luật Kinh tế – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

 
[1]. Hoàng Quảng Lực, Bàn về quy định mới của Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 6/2017.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn

Tin liên quan

Quy định của pháp luật về thời hạn ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự trong vụ việc dân sự và thực tiễn áp dụng

Nguyên nhân dẫn đến việc các quyết định được ban hành khi chưa đủ thời hạn có thể xuất phát từ việc chưa hiểu đúng về cách tính thời hạn, xác định sai thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của thời ...

Xem thêm

9 trường hợp buộc phải đổi sang mẫu sổ đỏ mới

Từ 01/01/2025, mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới chính thức bắt đầu được áp dụng. Mẫu sổ đỏ mới gồm một tờ có hai trang, in nền hoa văn trống đồng, màu ...

Xem thêm

Phân định bản chất pháp lý của quan hệ tranh chấp trong thừa kế di sản của NSƯT Vũ Linh

Theo nội dung Bản án sơ thẩm số 09/2025/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2025 về tranh chấp về thừa kế tài sản, yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ, sau khi cố nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Linh ...

Xem thêm