ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Nhận thức thêm về nghề luật sư và vai trò của luật sư

Luật sư là người có những phẩm chất nhất định do luật định, chuyên tiến hành các dịch vụ pháp lý, lấy việc cung cấp các dịch vụ pháp lý làm nghề nghiệp luật sư của mình. Còn nghề luật sư là một nghề luật do luật sư tiến hành nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, có thể bao gồm: Tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật và đại diện hoặc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng theo những quy trình hay thủ tục do pháp luật quy định. Nghề luật sư hiện nay là một bộ phận quan trọng của môi trường pháp lý nhằm xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bài viết, tác giả đưa ra những quan điểm khác nhau về nghề luật, nghề luật sư và vai trò, vị trí của luật sư qua các thời kỳ.
 
1. Về nghề luật sư
Nghề luật sư – một nghề xuất hiện từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Theo Josh Taylor, ở Hy Lạp cổ đại, “orators” (những nhà hùng biện) thường biện hộ trong những vụ việc của những người bạn của họ, bởi vì tại thời kỳ đó, những người cai trị yêu cầu rằng một cá nhân phải biện hộ cho vụ việc của chính mình hoặc có thể nhờ một công dân bình thường hoặc một người bạn của mình biện hộ cho mình nhân danh mình và không được nhận phí. Tuy nhiên, quy định về không thu phí như vậy là bất khả thi (Josh Taylor nhận định). Ông khẳng định rằng, sau đó ở La Mã cổ đại, Hoàng đế Claudius pháp lý hóa nghề luật và thậm chí cho các luật sư (thầy cãi) thu phí với một hạn mức nhất định[1].
Các sự kiện này cho thấy tại thời kỳ La Mã cổ đại, luật sư đã trở thành một nghề vì đã hội đủ hai yếu tố cơ bản là: (i) Cung cấp ra một loại dịch vụ có đặc tính riêng mà xã hội có nhu cầu; (ii) Người cung cấp ra dịch vụ đó kiếm sống bằng chính việc cung cấp dịch vụ đó. Hai yếu tố này thường được xem là hai tiêu chuẩn để xác định bất kỳ nghề nghiệp nào, ví dụ như: Đối với nghề làm gốm thủ công, người làm gốm chuyên tiến hành sản xuất gốm sứ để kiếm sống bằng các sản phẩm gốm sứ đó; nghề vệ sĩ chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ và kiếm sống bằng việc cung cấp dịch vụ đó…
Nghề luật ngày nay được hiểu không hoàn toàn đồng nhất như vậy. Theo nghĩa rộng nhất, thuật ngữ “nghề luật” bao gồm không chỉ những cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề pháp luật và hoạt động nghề nghiệp của họ, mà còn cả các công ty luật (law firms), các tổ chức luật sư khác cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, bộ máy tư pháp (judiciary), những người hoạt động xét xử khác (other adjudicators), các đoàn luật sư (bar associations) và các trường luật (law schools)[2]. Do đó, nghề luật sư là một bộ phận của nghề luật. Nói chung, nghề luật cần được hiểu tóm lược là một loại hoạt động xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý công hoặc tư do các chủ thể công hoặc tư tiến hành và có thu phí. Theo Giáo trình luật sư và nghề luật sư của Học viện Tư pháp có quan niệm rất rộng về nghề luật và cho rằng nghề luật bao gồm “… nghề làm luật, xây dựng pháp luật – lập pháp, lập quy; nghề bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý với tư cách nhân danh nhà nước – trong lĩnh vực tư pháp; nghề luật thực thi pháp luật với tư cách nhân danh cơ quan, cá nhân có thẩm quyền – trong lĩnh vực hành pháp; nghề công tác bổ trợ tư pháp; nghề làm công tác hành chính – tư pháp”[3]. Nếu quan niệm như vậy, hầu hết các cơ quan công quyền (lập pháp, hành pháp và tư pháp) và các nhân viên trong đó đều tiến hành nghề luật. Quan niệm này có thể dẫn tới việc phân chia nghề nghiệp trong các cơ quan công quyền trở thành một vấn đề rất cần “tranh luận”. Với nhận thức “trước hết, nghề luật gắn liền với việc thực thi quyền lực nhà nước”[4], do đó quan niệm rộng như trên về nghề luật xuất hiện. Quan niệm này khẳng định: Các chức danh nghề luật bao gồm đại biểu quốc hội (hay nghị sĩ), thẩm phán, kiểm sát viên hay công tố, điều tra viên, luật sư, chấp hành viên, thừa phát lại, công chứng viên, chuyên viên pháp chế ở các bộ, ngành hay tại các doanh nghiệp[5]. Trong khi đó, khi nói về nghề luật, các nhà luật học so sánh nhắc tới các nhánh của nghề luật chỉ bao gồm luật sư của chính quyền (government lawyers), các nhân viên tư pháp (judiciary) và các học giả pháp lý (legal scholars)[6].
Herbert M. Kritzer đã làm rõ các dấu hiệu của một nghề nghiệp, ít nhất bao gồm: (i) Có kiến thức và kỹ năng đặc biệt nhưng có ích trên cơ sở được đào tạo hoặc huấn luyện chuyên biệt; (ii) Có định hướng phục vụ cho lợi ích của một loại khách hàng xác định; (iii) Tự trị hành động liên quan tới cả hành động cụ thể và tới cả việc xác định và thi hành các tiêu chuẩn ứng xử nghề nghiệp; (iv) Có sự tồn tại của một hoặc nhiều tổ chức phục vụ những nhu cầu nội tại và bên ngoài của nghề nghiệp[7]. Với các dấu hiệu để xác định một nghề nghiệp, hay nói cách khác, để phân biệt những nghề nghiệp khác nhau, với mục đích xem xét phạm vi của nghề luật, chúng ta có thể thấy các đại biểu Quốc hội hay các nghị sĩ không phải là những người hành nghề luật bởi những lý do sau:
Thứ nhất, các đại biểu Quốc hội hay các nghị sĩ không được đào tạo và huấn luyện những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt như thẩm phán, công tố, luật sư hay các chuyên gia pháp lý khác. Nói cách khác, họ không sử dụng kiến thức và kỹ năng chuyên biệt về luật như thẩm phán, công tố, luật sư hay các chuyên gia pháp lý khác trong hoạt động của họ. Tuy nhiên, theo chế độ đại biểu Quốc hội không chuyên trách như ở Việt Nam và Trung Quốc…, có thể có thẩm phán, công tố, luật sư hay các chuyên gia pháp lý khác được bầu làm đại biểu Quốc hội. Thế nhưng cần phân biệt sự “phân thân” của họ khi thực hiện vai trò với tư cách là đại biểu Quốc hội, nghị sĩ hay khi thực hiện vai trò với tư cách là thẩm phán, công tố…
Thứ hai, các chức năng chủ yếu mà các đại biểu Quốc hội hay các nghị sĩ thực hiện trong hoạt động của họ đều hướng tới mục tiêu chính trị chứ không phải là mục tiêu chuyên môn và các hoạt động đó không hướng tới một loại khách hàng cụ thể nào.
Thứ ba, hành động của các vị đại biểu Quốc hội hay các nghị sĩ không hoàn toàn tự trị đối với những trường hợp cụ thể nào mà luôn nằm trong khuôn khổ do Hiến pháp hay các đạo luật liên quan ấn định.
Cũng như các lập luận trên, ngoài các luật sư công, các nhân viên hành pháp không thể được xem là những người hành nghề luật chỉ vì họ phải thi hành luật.
Nghiên cứu sự xuất hiện của nghề luật sư cho thấy, luật sư xuất hiện đầu tiên là do nhu cầu tranh tụng của thân chủ và là người đại diện cho thân chủ trước pháp luật. Trong một nghiên cứu chuyên về lịch sử nghề luật sư của Anton-Hermann Chroust, có lập luận rằng Luật La Mã cổ đại thiếu khái niệm đại diện hiện đại (agency), do đó, luật sư đại diện (lawyer-agent) không thể được xem xét như thể lẽ ra anh ta đã được giao làm đại diện bởi người được đại diện (principal). Ông khẳng định luật sư đại diện lúc đó đã phải chấp nhận một loại hợp đồng đặc biệt mà theo đó những lợi ích của tất cả những gì mà luật sư đại diện làm phải có mang lại cho thân chủ (người được đại diện), trong đó, thân chủ cũng cam kết bù đắp cho luật sư đại diện những thiệt hại và các chi phí phát sinh khi luật sư đại diện làm việc cho thân chủ với điều kiện luật sư đại diện phải hành động thiện chí[8].
Ở Việt Nam, chế định luật sư có những thăng trầm khác nhau qua những giai đoạn của lịch sử nhất định, bản thân khái niệm luật sư cũng có những thuật ngữ khác nhau để thể hiện, chẳng hạn như luật sư, người bào chữa, trạng sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo… Tuy những thuật ngữ này được sử dụng trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử hay trong những trường hợp khác nhau của pháp luật, nhưng chúng đều thể hiện bản chất của một loại chủ thể thực hiện nghề luật.
Theo luật sư Phan Trung Hoài thì luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước trước Tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác[9]. Định nghĩa này cho thấy luật sư được phân biệt với các chức danh tư pháp khác bởi chuyên hành nghề luật sư, mà nghề luật sư theo đó được hiểu là một nghề chuyên thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước trước Tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Theo Giáo trình luật sư và nghề luật sư của Học viện Tư pháp thì nghề luật sư là một nghề luật cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý như tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật và có thể làm đại diện cho thân chủ hoặc bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước Tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng, luật sư được nhận thù lao, chi phí do khách hàng chi trả để sinh sống[10].
Nói tới luật sư là nói tới chủ thể chuyên tiến hành các hành vi khách quan như cung cấp dịch vụ pháp lý có đền bù (lấy tiền). Mối liên hệ giữa luật sư và nghề luật sư giống với mối liên hệ giữa thương nhân và hành vi thương mại về mặt hình thức, nhưng có sự khác biệt đôi chút[11]. Thương nhân là người chuyên tiến hành các hành vi thương mại dưới danh nghĩa và tài khoản của mình và lấy hành vi thương mại làm nghề nghiệp của mình[12]. Hành vi do luật sư tiến hành chủ yếu là hành vi cung cấp ra các dịch vụ pháp lý như tư vấn và đại diện để lấy tiền hay các lợi ích vật chất khác. Surbhi giải thích hoạt động có mục đích kinh tế nhằm tới kiếm tiền hay kiếm sống (livelihood) và tới lượt nó, hoạt động kinh tế lại được chia nhỏ thành kinh doanh (business), nghề nghiệp (profession) và làm thuê (employment)[13]. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa kinh doanh (hay thương mại) và nghề nghiệp, đồng thời, chỉ rõ sự khác biệt này là trong thương mại không có một phẩm chất hay năng lực tối thiểu nào được yêu cầu cho việc bắt đầu tiến hành hoạt động; còn nghề nghiệp được định nghĩa là một loại việc làm được chi trả mà theo đó một người có phẩm chất chính thức và đã trải qua đào tạo, huấn luyện trong một khoảng thời gian nhất định, cung cấp dịch vụ cho đại chúng, chẳng hạn như bác sĩ, luật sư, kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư[14]…
Vì vậy, có thể định nghĩa về luật sư và nghề luật sư: (i) Luật sư là người có những phẩm chất nhất định do luật định, chuyên tiến hành các dịch vụ pháp lý, lấy việc cung cấp các dịch vụ pháp lý làm nghề nghiệp luật sư của mình; (ii) Nghề luật sư là một nghề luật do luật sư tiến hành nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, có thể bao gồm: Tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật và đại diện hoặc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng theo những quy trình hay thủ tục do pháp luật quy định.
2. Vai trò của luật sư
Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước mà có sự nhận thức khác nhau về vai trò, vị trí của luật sư. Nghề luật sư và vai trò của luật sư luôn có sự thay đổi và phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế khách quan của mỗi xã hội[15]. Có thể nhận thấy rằng, ở những chế độ độc tài, vai trò của luật sư không được coi trọng bởi pháp luật và Tòa án chỉ là những công cụ cai trị của những chế độ đó. Trong khi đó ở những chế độ dân chủ tự do, vai trò và vị trí của luật sư được đề cao, tức là chế định luật sư gắn liền với và thúc đẩy cho nền dân chủ. Ở Việt Nam hiện nay, khi chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Hiến pháp năm 2013 khẳng định những nguyên tắc nâng cao vai trò và vị thế của luật sư trong đời sống xã hội nói chung và trong hệ thống pháp luật nói riêng. Tại khoản 4 Điều 31 và khoản 7 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 có các quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” (khoản 4 Điều 31); “quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” (khoản 7 Điều 103).
Chưa kể tới hoạt động tư vấn pháp luật, các quy định trên cho thấy vai trò và vị trí của luật sư gắn chặt với vai trò và vị trí của cơ quan tư pháp xoay quanh “hạt nhân” Tòa án với những nhiệm vụ hiến định rất cụ thể, được xác định như: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013). Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về nghề luật sư nhưng đều có chung một điểm cho rằng, luật sư là một nghề trong xã hội, là công cụ hữu hiệu góp phần bảo đảm công lý[16].
Luật sư Phan Trung Hoài quan niệm vai trò của luật sư trên ba phương diện: (i) Góp phần bảo vệ công lý, công bằng và pháp chế xã hội chủ nghĩa; (ii) Bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân và góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; (iii) Phản ánh các chuẩn mực, các giá trị xã hội, niềm tin vào những quyền cơ bản, nhân phẩm, giá trị của con người[17]. Các phương diện này tổng kết khá đầy đủ hoạt động của luật sư hiện đại, nhưng khó có thể đánh giá được vai trò và vị trí của luật sư trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa nếu như nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa không được nhắc tới nữa, khi đã bị hòa trộn hay biến đổi thành những nguyên tắc khác. Vào những năm cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, vai trò và vị trí của luật sư luôn được xác định và giáo dục xoay quanh sứ mệnh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, khi đó: Nhiệm vụ của luật sư là góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa bằng việc hướng dẫn khách hàng hiểu biết và thi hành đúng pháp luật, phục vụ công lý, bảo vệ những quyền của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định[18]. Lúc bấy giờ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc hiến định quan trọng trong việc tổ chức nhà nước. Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Pháp luật trong các quy định này được xem là công cụ của Nhà nước dùng để quản lý xã hội. Nếu đem so sánh quan niệm này với các vấn đề lý luận cơ bản của Nhà nước pháp quyền, chúng ta thấy có sự khác biệt không nhỏ “một bên nhằm tới buộc Nhà nước phải thực hiện đúng vai trò của mình và tôn thờ ý nghĩa thực sự của sự ra đời của Nhà nước, bên kia nhằm tới buộc mọi cá nhân và tổ chức phải tôn trọng sản phẩm do Nhà nước làm ra – đó là pháp luật”[19]. Vì vậy, vai trò và vị trí của luật sư không còn được giải thích xoay quanh sứ mệnh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa nữa.
Luật sư luôn có mặt trong việc thực hiện chức năng của Tòa án và yêu cầu Tòa án phải tuân thủ pháp luật trong việc thực hiện chức năng đó. Vì vậy, khi nói tới Nhà nước pháp quyền, người ta không thể không nói tới luật sư. Vai trò và vị trí của luật sư hiện nay luôn được diễn giải xung quanh sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý và hướng dẫn khách hàng hướng tới tuân thủ pháp luật ứng với các hoạt động tranh tụng và tư vấn pháp luật. Trong các hoạt động tư vấn, luật sư có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ an toàn pháp lý cho khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất của kinh doanh, nhưng nếu vi phạm hành lang pháp lý, mọi lợi nhuận có thể bị tước bỏ, do đó vai trò của luật sư chính là dẫn dắt doanh nghiệp đi trong hành lang pháp lý an toàn[20].
Có thể nói, luật sư là một trong những nghề “cổ” nhất trên thế giới bởi nó gắn với việc thi hành và áp dụng pháp luật. Việc tham gia của luật sư vào tố tụng hiện nay là một đòi hỏi của đời sống xã hội hiện đại được “suy ra” từ nền tảng quyền con người, dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư cũng là một nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại, giúp cho các sinh hoạt pháp lý của cộng đồng đạt được các mục tiêu mong muốn.
Nghề luật sư nói chung gắn liền với sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật[21]. Sau cách mạng xã hội chủ nghĩa, khi xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam theo truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa mà nền tảng là pháp luật Xô Viết, luật sư ở Việt Nam có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa[22]. Việc chuyển sang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cùng với việc thay đổi quan niệm về nguồn của pháp luật theo hướng mở rộng phạm vi sử dụng các loại nguồn và thứ tự ưu tiên áp dụng các loại nguồn, nhất là trong khu vực luật tư, cũng như việc hướng tới công lý trong các hoạt động tư pháp đã làm thay đổi phần nào đó các đòi hỏi của xã hội đối với luật sư và việc hành nghề luật sư. Mặc dù các đòi hỏi này đã được “đáp ứng” thông qua các quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và năm 2015) và các văn bản dưới luật, nhưng trên thực tế việc hành nghề luật sư còn tồn tại những vướng mắc do tổ chức hoạt động thực tiễn và bất cập của hệ thống pháp luật.
Nghề luật sư hiện nay là một bộ phận quan trọng của môi trường pháp lý nhằm xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0. Những tồn tại, hạn chế của chế định luật sư nói chung và tổ chức hành nghề luật sư nói riêng có thể gây khó khăn cho việc đạt được các mục tiêu cả về chính trị lẫn kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó, các nhà nghiên cứu lập pháp cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế định luật sư đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

ThS. Nguyễn Quang Anh
Công ty Luật TNHH Sao Việt

 
 
[1]. Josh Taylor (2018), A Brief Guide to the History of Lawyers, https://www.smokeball.com/blog/brief-guide-to-the-history-of-lawyers/, May 8th 2018.
[2]. Quintin Johnstone (2006), “An Overview of the Legal Profession in the United States, How That Profession Recently Has Been Changing, and Its Future Prospects”, Quinnipiac Law Review, 527 (2006), p. 737.
[3]. Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình luật sư và nghề luật sư, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 13.
[4]. Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình luật sư và nghề luật sư, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 12.
[5]. Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình luật sư và nghề luật sư, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 13.
[6]. Mary Ann Glendon, Paolo G. Carozza, Colin B. Picker (2008), Comparative Legal Traditions, Thomson/ West, USA, pp. 80 – 96.
[7]. Herbert M. Kritzer (1990), The Justice Broker: Lawyers and Ordinary Litigation, Oxford University Press, New York, USA, pp. 5 – 6.
[8]. Anton-Hermann Chroust (1954), Legal Profession in Ancient Republican Rome, 30 Notre Dame L. Rev . 97 (1954), p. 111.
[9]. Phan Trung Hoài (2003), Cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về luật sư ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 18.
[10]. Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình luật sư và nghề luật sư, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 9.
[11]. Ngô Huy Cương (2016), Bài giảng về luật nghĩa vụ cho nghiên cứu sinh, Bài giảng điện tử, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
[12]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật thương mại – Phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 72.
[13]. Surbhi S (2017), Difference Between Business and Profession, tại https://keydifferences.com/difference-between-business-and-profession.html, October 14, 2017.
[14]. Surbhi S (2017), Difference Between Business and Profession, tại https://keydifferences.com/difference-between-business-and-profession.html, October 14, 2017.
[15]. Bộ Tư pháp – Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (2008), “Phát huy vai trò của luật sư trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Số chuyên đề Tổ chức và hoạt động luật sư, Hà Nội, tr. 6 – 7.
[16]. Bộ Tư pháp – Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (2008), “Phát huy vai trò của luật sư trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Số chuyên đề Tổ chức và hoạt động luật sư, Hà Nội, tr. 6.
[17]. Phan Trung Hoài (2003), Cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về luật sư ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 28.
[18]. Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (2001), Kỹ năng hành nghề luật sư – Tập I – Luật sư và nghề luật sư, do TS. Phan Hữu Thư chủ biên, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 12.
[19]. Ngô Huy Cương (2019), “Tổng quan và định hướng cải cách môi trường pháp lý kinh doanh cho phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” (tr. 10 – 32), tài liệu Hội thảo khoa học xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân, do Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 12/11/2019 tại Hà Nội, tr. 14.
[20]. Nguyễn Lan Hương (2008), “Vai trò của luật sư đối với doanh nghiệp” (tr. 163 – 171), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Số chuyên đề tổ chức và hoạt động luật sư, Hà Nội, tr. 171.
[21]. Dự án TA 2853 VIE (2002) (Bộ Tư pháp – Ngân hàng phát triển Châu Á), Đạo đức và kỹ năng của luật sư trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, do PGS. TS. Lê Hồng Hạnh chủ biên, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội,  tr. 11.
[22]. Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (2001), Kỹ năng hành nghề luật sư – Tập I – Luật sư và nghề luật sư, do TS. Phan Hữu Thư chủ biên, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 12.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn)

Tin liên quan

Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định 02 tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều ...

Xem thêm

Có quyền buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Trường hợp bị chiếm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết hay không

Xem thêm

Nguyên đơn có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gửi đơn đến Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh?

Nguyên đơn có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gửi đơn đến Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh?

Xem thêm