ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Rủi ro trong việc đóng phí của bên mua bảo hiểm và điều khoản miễn đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Tóm tắt: Bài viết phân tích hậu quả pháp lý của các trường hợp bên mua bảo hiểm không có khả năng tài chính để tiếp tục đóng phí cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và giới thiệu nội dung mẫu của điều khoản quyền lợi miễn đóng phí bảo hiểm.
1. Các trường hợp bên mua bảo hiểm không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Việc tham gia bảo hiểm nhân thọ là nhằm ngăn ngừa các rủi ro xảy ra trong cuộc sống liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo hiểm. Ngoài mục đích ngăn ngừa rủi ro từ sự kiện bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ngày nay còn giúp người mua bảo hiểm tích lũy tài chính và tăng giá trị đầu tư của khoản tiền phí bảo hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, có nhiều khả năng rủi ro xảy ra khiến bên mua bảo hiểm chết hoặc thương tật vĩnh viễn. Điều này có thể dẫn đến khả năng bên mua không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã giao kết. Trong bài viết này, tác giả phân tích hai trường hợp điển hình, đó là: (i) Bên mua bảo hiểm chết trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và không tiếp tục đóng phí bảo hiểm; (ii) Bên mua bảo hiểm không có khả năng tài chính để tiếp tục đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng.
1.1. Khi bên mua bảo hiểm chết trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Trong trường hợp bên mua bảo hiểm chết và bên mua bảo hiểm là chủ thể có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm (lưu ý chỉ xem xét tình huống bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm là hai chủ thể khác nhau trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ)[1], liệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký kết có chấm dứt hiệu lực hay không?
– Căn cứ pháp lý để chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Vì “hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”[2], nên trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, các bên thực hiện các nghĩa vụ và hưởng các quyền được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, đối với bên mua bảo hiểm, nghĩa vụ đóng phí là nghĩa vụ cơ bản trong hợp đồng bảo hiểm và khi bên mua thực hiện nghĩa vụ đóng phí đầy đủ sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm mới làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm[3]. Đồng thời, bên mua bảo hiểm có quyền đối với doanh nghiệp bảo hiểm được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng chấm dứt trong trường hợp: “Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện”. Do đó, khi bên mua bảo hiểm chết sẽ là căn cứ hợp pháp để chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký kết.
Ngoài ra, Điều 382 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ khi bên có quyền là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại như sau: “Khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì nghĩa vụ cũng chấm dứt”. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm là bên có quyền đối với doanh nghiệp bảo hiểm[4], do đó, khi bên mua bảo hiểm chết, thì nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ chấm dứt. Khi nghĩa vụ dân sự chấm dứt và không có bất cứ thỏa thuận nào khác để chuyển giao nghĩa vụ thì đây là căn cứ hợp pháp để chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, trường hợp bên mua trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chết và bên mua là chủ thể có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ chấm dứt, trừ trường hợp hợp đồng có thỏa thuận khác[5].
– Hậu quả pháp lý khi bên mua bảo hiểm chết và không tiếp tục đóng phí hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) không dự liệu riêng biệt trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm do một bên có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm chết. Do đó, theo khoản 4 Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), tình huống này cần áp dụng hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015. Giả định trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng, bên mua đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí, liệu doanh nghiệp bảo hiểm có quyền giữ số phí bảo hiểm mà bên mua đã đóng đến thời điểm chấm dứt hợp đồng hay không?
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), trong một số trường hợp khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không được tiếp tục thực hiện hay sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng không được doanh nghiệp bảo hiểm trả số tiền bảo hiểm, bên mua có thể nhận lại giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ: Khoản 2 Điều 34 (bên mua bảo hiểm thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm); khoản 3 Điều 35 (doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng khi bên mua vi phạm nghĩa vụ đóng phí và hợp đồng bảo hiểm đã được thực hiện từ hai năm trở lên); khoản 3 Điều 39 (các trường hợp không trả tiền bảo hiểm liên quan đến cái chết của người được bảo hiểm).
Do vậy, nếu trong trường hợp bên mua bảo hiểm chết và không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm thì có thể dẫn đến trường hợp vi phạm nghĩa vụ đóng phí và với thời hạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được thực hiện từ hai năm trở lên, người thừa kế hợp pháp của bên mua bảo hiểm sẽ nhận được giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm theo khoản 3 Điều 35 nêu trên. Nếu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được thực hiện dưới hai năm, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền giữ số phí bảo hiểm mà bên mua đã đóng đến thời điểm chấm dứt hợp đồng và nếu không có sự kiện bảo hiểm xảy ra tới thời điểm chấm dứt hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm chi trả số tiền bảo hiểm cho bên mua.
1.2. Khi bên mua không có khả năng tài chính để tiếp tục đóng phí cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Trong trường hợp bên mua bảo hiểm bị thương tật nặng hay với bất cứ lý do nào khác dẫn đến không có khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì liệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký kết có thể chấm dứt hiệu lực hay không và khi đó liệu bên mua bảo hiểm có được nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay không?
Dựa trên quan sát trong thực tiễn giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm có thể chủ động đưa ra yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (với bất cứ lý do gì) và nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có quy định về điều khoản giá trị hoàn lại.
Như vậy, ngoài các trường hợp luật định thì thỏa thuận về giá trị hoàn lại trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của bên mua khi không có khả năng tài chính nhằm tiếp tục đóng phí cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, để nhận giá trị hoàn lại với yêu cầu chủ động chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, bên mua bảo hiểm thường phải thỏa mãn điều kiện tối thiểu về thời gian hiệu lực của hợp đồng và thời gian tối thiểu bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm.
– Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 
Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm[6] là một khái niệm không được giải thích trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) mà được nêu trong hợp đồng bảo hiểm giữa các bên. Đây là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ nhận lại (nếu có) khi có yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn. Đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần, hợp đồng bảo hiểm có giá trị hoàn lại ngay sau khi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm[7]. Đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí nhiều lần (ví dụ như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ), hợp đồng bảo hiểm có giá trị hoàn lại sau khi bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm cho khoảng thời gian tối thiểu là hai năm và hợp đồng bảo hiểm tối thiểu có hiệu lực qua hai năm. Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thông thường được xác định căn cứ trên số phí bảo hiểm đã đóng trừ đi các chi phí hợp lý khác có liên quan để thực hiện hợp đồng.
Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tùy vào đặc thù của sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm phải quy định rõ về phí bảo hiểm và các quyền lợi bảo hiểm đối với bên mua (bao gồm cả giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ theo các năm trong biểu phí sản phẩm bảo hiểm). Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các thông tin về sản phẩm bảo hiểm[8], đảm bảo bên mua bảo hiểm biết được số tiền có thể nhận được tại từng thời điểm và chi tiết cho từng trường hợp.
Như vậy, với các phân tích nêu trên, trong trường hợp bên mua bảo hiểm chết và không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm hoặc vì lý do nào khác (như thương tật hoặc tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm) dẫn đến không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì bên mua đều có khả năng nhận giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm trên cơ sở phí bảo hiểm đã đóng, với điều kiện thời gian tối thiểu có hiệu lực của hợp đồng là hai năm.
Doanh nghiệp bảo hiểm có thể chi trả giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp của bên mua bảo hiểm (trường hợp bên mua bảo hiểm chết) tối đa không vượt quá số phí bảo hiểm đã đóng. Như vậy, việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dẫn đến chấm dứt hoàn toàn cơ hội để người thụ hưởng hợp đồng bảo hiểm nhận được số tiền bảo hiểm như thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng và chấm dứt việc duy trì nghĩa vụ chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm.
Vì vậy, để đảm bảo lợi ích của bên mua bảo hiểm và người thụ hưởng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra điều khoản quyền lợi miễn đóng phí trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để ngăn ngừa rủi ro đối với bên mua bảo hiểm (người thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm) khi họ không thể tiếp tục đóng phí cho hợp đồng vì lý do tử vong, thương tật vĩnh viễn hay các rủi ro bệnh tật hiểm nghèo khác. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay thế người mua bảo hiểm tiếp tục đóng phí cho hợp đồng bảo hiểm để tiếp tục duy trì hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.
2. Quyền lợi miễn đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
2.1. Quyền lợi miễn đóng phí là gì?
Quyền lợi miễn đóng phí được xem như một sản phẩm bổ trợ trong một hợp đồng phụ đi kèm với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chính[9]. Với quyền lợi miễn đóng phí, các khoản phí bảo hiểm phải đóng trong tương lai của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được miễn khi bên mua bảo hiểm chẳng may mất đi, bị thương tật vĩnh viễn[10] hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo[11].
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng quyền lợi miễn đóng phí mở rộng ngoài trường hợp tử vong, bị thương tật toàn bộ, vĩnh viễn hoặc mắc phải bệnh hiểm nghèo[12] cũng được xem là rủi ro tài chính khiến bên mua không thể tiếp tục đóng phí cho hợp đồng bảo hiểm (cả hợp đồng bảo hiểm chính và các sản phẩm bảo hiểm bổ sung khác, nếu có)[13].
2.2. Mục đích của điều khoản quyền lợi miễn đóng phí
Mục đích của điều khoản quyền lợi miễn đóng phí được thiết kế trong hợp đồng bảo hiểm phụ nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm sẽ được đảm bảo tài chính khi không may gặp rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm (như tử vong bất ngờ hay bị thương tật toàn bộ, vĩnh viễn) và không có khả năng tiếp tục đóng phí theo hợp đồng bảo hiểm. Khi đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay bên mua bảo hiểm đóng phí và duy trì miễn phí hợp đồng để chia sẻ rủi ro với bên mua bảo hiểm. Chỉ với một khoản phí hợp lý hàng năm, khi có rủi ro xảy ra, hợp đồng sản phẩm chính vẫn được duy trì với đầy đủ mọi quyền lợi cho tới khi đáo hạn hợp đồng. Điều đó có nghĩa, người thân trong gia đình không phải đóng phí bảo hiểm định kỳ nữa mà vẫn được hưởng các quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm cho tới khi đáo hạn. Lý do ra đời của quyền lợi miễn đóng phí xuất phát từ việc công ty bảo hiểm muốn tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở của người trụ cột trong gia đình. Khi chẳng may mất đi người trụ cột ấy, các thành viên còn lại sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn, lúc này, quyền lợi bảo hiểm miễn đóng phí là một nguồn động viên, hỗ trợ rất lớn đối với họ[14]. Trong diễn giải điều khoản “người mua bảo hiểm được xem là trụ cột kinh tế trong gia đình” phải là người có đóng góp kinh tế quan trọng trong gia đình, đem lại thu nhập chính trong gia đình, những người còn lại trong gia đình phụ thuộc vào thu nhập của người này.
2.3. Nội dung mẫu và mô tả điều khoản
Nội dung mẫu của điều khoản quyền lợi miễn đóng phí như sau:
“Nếu người mua bảo hiểm không may gặp rủi ro tử vong hay bị thương tật toàn bộ, vĩnh viễn do tai nạn, hợp đồng chính sẽ được duy trì miễn phí với đầy đủ các quyền lợi mà không cần phải tiếp tục đóng phí”[15].
Như vậy để tham gia điều khoản miễn đóng phí này, người mua bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện: (i) Là bên mua bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Bên mua bảo hiểm không phải là đối tượng được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. (ii) Là người trụ cột kinh tế trong gia đình. (iii) Sự kiện rủi ro xảy ra với người mua bảo hiểm bao gồm: Tử vong hay bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc mắc phải bệnh hiểm nghèo. (iv) Sự kiện rủi ro xảy ra trong thời gian hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn hiệu lực
Tóm lại, trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phía bên mua bảo hiểm có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Tử vong trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và không tiếp tục đóng phí bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm vì lý do tai nạn, sức khỏe hoặc thậm chí không có khả năng tài chính để tiếp tục đóng phí bảo hiểm. Trong các trường hợp đó, phía bên mua bảo hiểm có thể sẽ đối mặt với tình huống rủi ro nhất là không được nhận lại khoản phí bảo hiểm đã đóng cho doanh nghiệp. Giải pháp hợp lý mà bên mua nên cân nhắc để bảo vệ quyền lợi của mình là yêu cầu nhận giá trị hoàn lại theo khoản 3 Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) khi hợp đồng không có thỏa thuận riêng biệt nào. Hoặc nếu hợp đồng có đề cập đến thuật ngữ “giá trị hoàn lại”, bên mua cần xem xét ký biểu phí sản phẩm bảo hiểm trong thỏa thuận để chủ động chấm dứt hợp đồng khi không có khả năng tiếp tục đóng phí và nhận giá trị hoàn lại từ phía doanh nghiệp bảo hiểm. Đặc biệt, để ngăn ngừa sự kiện tử vong hay tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với bên mua bảo hiểm, bên mua nên tham gia điều khoản miễn đóng phí bảo hiểm bên cạnh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chính để ngăn ngừa rủi ro xấu có thể xảy ra, khi đó người thân trong gia đình không phải tiếp tục đóng phí bảo hiểm định kỳ nữa và sản phẩm chính của hợp đồng bảo hiểm vẫn được duy trì với đầy đủ mọi quyền lợi cho tới khi đáo hạn hợp đồng.

ThS. Bạch Thị Nhã Nam
Khoa Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
 

 
[1]. Nếu bên mua bảo hiểm chính là người được bảo hiểm thì khi đó cái chết của người được bảo hiểm chết sẽ dẫn đến việc xảy ra sự kiện bảo hiểm và có thể làm phát sinh nghĩa vụ chi trả số tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ các trường hợp không chi trả tiền bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
[2]. Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
[3]. Khoản 1 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
[4]. Khoản 1 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) quy định quyền của bên mua bảo hiểm.
[5]. Thỏa thuận khác ở đây được hiểu là thỏa thuận chuyển giao hợp đồng trong hợp đồng bảo hiểm nhằm tiếp tục thực hiện hợp đồng, trong đó nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm được thực hiện bằng việc chuyển giao nghĩa vụ đóng phí của bên mua (đã chết) sang cho cá nhân hay tổ chức nào khác để tiếp tục thực hiện. Thỏa thuận đó phải được thể hiện bằng văn bản.
[6]. Xem thêm: “Giá trị hoàn lại” trong Quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp với quyền lợi học vấn nâng cao của Prudential, tại https://www.prudential.com.vn/export/sites/prudential-vn/.galleries/Product/bieu-mau-tham-khao/Phu-Dang-Khoa-Thanh-Tai-bao-hiem-hon-hop-voi-quyen-loi-hoc-van-nang-cao.pdf, truy cập ngày 19/12/2018; hoặc Quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhân thọ mẫu của AIA, tại http://www.iav.vn/News/Item/593/215/vi-VN/Default.aspx, truy cập ngày 19/12/2018.
[7]. Quy tắc, điều khoản bảo hiểm nhân thọ mẫu của AIA, tại http://www.iav.vn/News/Item/593/215/vi-VN/Default.aspx, tr.2, truy cập ngày 19/12/2018.
[8]. Xem khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
[9]. Tham khảo điều khoản của Bảo Việt nhân thọ, https://www.baovietnhantho.com.vn/san-pham/Bao-hiem-mien-dong-phi-17/Quyen-loi-mien-dong-phi-22, truy cập ngày 05/12/2018.
[10]. Bảo Việt nhân thọ còn cung cấp “Quyền lợi miễn đóng phí đặc biệt”, chỉ áp dụng cho trường hợp người được bảo hiểm không may bị tai nạn dẫn đến thương tật toàn bộ, vĩnh viễn. Khi đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chính sẽ được duy trì miễn đóng phí.
[11]. Xem thêm: Quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm bổ trợ của Prudential, https://www.prudential.com.vn/export/sites/prudential-vn/.content/12.-SPBHBT-Mien-Phi-Dong-BHN-Dieu-Kien-Dieu-Khoan.pdf, truy cập ngày 05/12/2018.
[12]. 43 căn bệnh hiểm nghèo Hanwha Life Việt Nam sẽ miễn đóng phí còn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Tham khảo Hanwha Life Việt Nam, bảo hiểm bổ sung miễn đóng phí bảo hiểm, http://www.hanwhalife.com.vn/public/uploads/SPBC_Docs/SPBS_5_HLV_PD_Bao_Hiem_Bo_Sung_Mien_Dong_Phi_Bao_Hiem_Nang_Cao_21_July_2014_V1.0.pdf, truy cập ngày 26/12/2018.
[13]. Tham khảo Hanwha Life Việt Nam, bảo hiểm bổ sung miễn đóng phí bảo hiểm, tlđd.
[14]. Bảo hiểm miễn đóng phí – Duy trì đến cùng hợp đồng bảo hiểm đăng trên trang https://blog.generali-life.com.vn/tu-van-bao-hiem/bao-hiem-mien-dong-phi/.
[15]. Tham khảo điều khoản của Bảo Việt nhân thọ, https://www.baovietnhantho.com.vn/san-pham/Bao-hiem-mien-dong-phi-17/Quyen-loi-mien-dong-phi-22, truy cập ngày 26/12/2018.

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn

Tin liên quan

Hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc

Qua nghiên cứu Luật tổ chức Tòa án và Luật Thẩm phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả xin giới thiệu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của quốc gia này, đây có ...

Xem thêm

Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định của các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, tác giả kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015: Mở rộng đối ...

Xem thêm

Điều khoản “Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” trong hợp đồng xây dựng quốc tế

Điều khoản “miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” là một công cụ pháp lý thường được sử dụng trong các hợp đồng xây dựng quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề về tính hợp pháp của điều khoản này ...

Xem thêm