ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Giá trị pháp lý của những giao dịch liên quan đến tài sản chung do một bên vợ hoặc chồng thực hiện

Tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Về nguyên tắc, các giao dịch liên quan đến tài sản chung phải có sự bàn bạc, thỏa thuận của hai vợ chồng, tuy nhiên trong một số trường hợp, pháp luật lại không bắt buộc điều này. Bài viết dưới đây đề cập đến các trường hợp như vậy.
1. Vợ, chồng tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung
– Khi vợ, chồng xác lập giao dịch nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình[1] 
Đây là quy định hợp lý, nhằm đảo bảo đáp ứng kịp thời, nhanh chóng các nhu cầu thiết yếu trong gia đình – các nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và các nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà[2]. Bên cạnh đó còn bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba trong giao dịch, cũng như tạo sự mềm dẻo, linh hoạt trong giao lưu dân sự. Với quy định này, nếu vợ hoặc chồng vay mượn tiền, tài sản hay bán, trao đổi một tài sản chung của vợ chồng, cho dù chồng hoặc vợ họ không biết, tuy nhiên nếu mục đích của giao dịch nhằm để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong gia đình, vẫn có giá trị pháp lý, nghĩa vụ tài sản phát sinh từ giao dịch, cả hai vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra: Ai sẽ là người chứng minh giao dịch mà người vợ, chồng thực hiện là nhằm hoặc không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình? Đó chính là người vợ hoặc chồng trực tiếp giao dịch, nhằm bảo vệ giá trị pháp lý của giao dịch và ràng buộc chồng hoặc vợ, họ cùng liên đới chịu trách nhiệm phát sinh từ giao dịch; kế tiếp là người chồng hoặc vợ không tham gia giao dịch, để bảo vệ quyền lợi cho họ cũng như bảo toàn khối tài sản chung và cuối cùng chính là bên thứ ba trong giao dịch, để họ bảo vệ quyền lợi cho chính mình, thông qua việc chứng minh giá trị pháp lý của giao dịch cũng như ràng buộc trách nhiệm cả hai vợ chồng trong việc thực hiện nghĩa vụ, vì nếu là nghĩa vụ chung, thì khối tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ sẽ là khối tài sản chung của vợ chồng và cả khối tài sản riêng của các bên vợ, chồng.
Có một khía cạnh pháp lý khác đặt ra: Nếu giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện không đáp ứng trực tiếp mà chỉ đáp ứng gián tiếp các nhu cầu thiết yếu của gia đình, chẳng hạn như vay tiền để bổ sung vốn kinh doanh, nhằm tạo nguồn thu nhập cho gia đình, có chịu sự chi phối của điều luật trên?
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có điều khoản nào trả lời cho câu hỏi trên. Tác giả cho rằng: Giao dịch nhằm đáp ứng “trực tiếp” và “gián tiếp” nhu cầu thiết yếu của gia đình, đều phát sinh trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng. Bởi lẽ, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, có nhiều cách khác nhau và thực tế trong nhiều trường hợp cần phải có nhiều cách thức khác nhau mới có thể đáp ứng được, chứ không thể chỉ bằng cách thức “trực tiếp”. Vì vậy, với cách hiểu và suy luận như vậy, sẽ đảm bảo đáp ứng kịp thời và lâu dài các nhu cầu thiết yếu của gia đình, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, cho người vợ, chồng trực tiếp tham gia giao dịch và cho chủ thể thứ ba trong giao dịch đó.
– Khi vợ/chồng thực hiện giao dịch với tư cách là người đại diện
Vợ, chồng có thể đại diện cho chồng, vợ họ để xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung, họ có thể thực hiện điều này với tư cách là người đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật. Điều 24, 25, 27, 32, 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khá rõ về vấn đề này:
+ Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
+ Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
+ Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình, thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật Dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh, thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Như vậy, có thể khẳng định, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có quyền tự định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Chính vì vậy, khía cạnh pháp lý cần bàn ở đây là giới hạn của việc định đoạt và hậu quả của việc định đoạt vượt quá giới hạn.
2. Giới hạn của việc định đoạt
Quyền định đoạt của vợ, chồng đối với tài sản chung của vợ chồng bị giới hạn bởi mục đích của giao dịch và giá trị, tầm quan trọng của khối tài sản chung.
Theo đó, (i) việc định đoạt phải nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình[3]; (ii) định đoạt liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thoả thuận bằng văn bản của cả hai vợ chồng[4]. Giao dịch liên quan đến những tài sản này thường ảnh hưởng lớn đến khối tài sản chung của vợ chồng cũng như đời sống chung của gia đình, nên pháp luật yêu cầu cần có sự bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng từ cả hai vợ chồng. Sự bàn bạc, thỏa thuận của vợ chồng trong trường hợp này phải được lập thành văn bản. Nếu một tài sản chung khi tham gia giao dịch, pháp luật yêu cầu phải tuân theo hình thức nhất định, chẳng hạn như phải công chứng, chứng thực, thì sự thoả thuận của vợ chồng cũng phải tuân theo hình thức đó. Vì vậy, để xác định yêu cầu cụ thể về mặt hình thức của một văn bản thoả thuận, cần dựa vào luật chung, là pháp luật dân sự để xác định.
3. Hậu quả của việc định đoạt vượt quá giới hạn
Để làm rõ câu hỏi này, cần xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau trong thực tiễn:
Trường hợp thứ nhất: Vợ, chồng tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung, chồng, vợ họ có biết, hoặc sau khi giao dịch được thực hiện mới biết, nhưng không có ý kiến gì. Trường hợp này được xem như sự im lặng của vợ, chồng đối với giao dịch do chồng, vợ họ thực hiện. Vì vậy, câu hỏi đặt ra: Sự im lặng có được xem là đồng ý?
Có quan điểm cho rằng, đối với việc định đoạt tài sản không quan trọng, sự đồng ý của vợ, chồng có thể là sự đồng ý mặc nhiên, thể hiện qua sự im lặng trước việc chồng, vợ định đoạt tài sản. Còn đối với việc định đoạt tài sản có giá trị lớn, nhất là bất động sản, cả vợ và chồng đều phải đứng ra giao dịch, thì sự đồng ý mới coi là được ghi nhận[5].
Quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao trong thực tiễn xét xử lại xem im lặng không đủ cơ sở để xác định đồng ý hay không đồng ý[6]. Cũng có quan điểm tán đồng cao với quan điểm này của Toà án nhân dân tối cao, nhưng lại cho rằng sự im lặng có thể là biểu hiện của sự chấp nhận, nếu tồn tại yếu tố khác, đó là các yếu tố như bên không biết, sau khi biết đã yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, hay bên giữ im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng, tiếp nhận việc thực hiện hợp đồng hoặc biết rõ việc thực hiện hợp đồng nhưng không phản đối, hay có căn cứ xác định thực tế đã có sự đồng ý[7]. Tác giả đồng ý với các quan điểm này, song cũng cần nói thêm: Thực tế trong đời sống vợ chồng, thông thường các bên vợ, chồng xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị không lớn so với khối tài sản chung của vợ chồng, không có sự bàn bạc, thoả thuận của hai vợ chồng và những giao dịch này không nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình, vẫn có giá trị pháp lý, bởi lẽ gần như không có vụ kiện nào liên quan đến các tranh chấp về các giao dịch như vậy.
Trường hợp thứ hai: Vợ, chồng tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung, chồng, vợ họ không biết, nhưng khi biết lại cùng tham gia giao dịch 
Đây được xem là loại giao dịch vi phạm qui định về yêu cầu bàn bạc, thoả thuận giữa hai vợ chồng, tuy nhiên, sự vi phạm này đã bị loại bỏ kể từ thời điểm bên chồng, vợ còn lại đã biết được điều đó và tán đồng, đồng thuận với hành vi giao dịch này của vợ, chồng họ, điều này thể hiện qua việc cùng với vợ, chồng tiếp tục tham gia giao dịch, thực hiện giao dịch. Vì vậy, loại giao dịch này không còn bị xem là vi phạm qui định về thỏa thuận giữa hai vợ chồng, nên giá trị pháp lý của giao dịch sẽ được thừa nhận và nghĩa vụ phát sinh từ những giao dịch này sẽ được xác định là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng.
Thực tiễn xét xử đối với loại giao dịch này, hiện nay đã có Án lệ số 04/2016/AL, được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4/2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Theo đó: “Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất”. Án lệ này được rút ra từ tình huống thực tiễn: “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến với bị đơn là ông Lê Văn Ngự và bà Trần Thị Phấn. Theo yêu cầu của phía bị đơn, đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất ký với vợ chồng bà Kiều Thị Tý và ông Chu Văn Tiến với lý do nhà đất này là tài sản chung của hai vợ chồng, việc ký hợp đồng, nhận tiền mua bán nhà, đất chỉ do ông Ngự thực hiện, bà Phấn là vợ không biết.
Vụ tranh chấp đã được các cấp toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và sau đó được xét xử giám đốc thẩm trên cơ sở kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại phiên xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Về hợp đồng mua bán nhà, đất ngày 26/4/1996, việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra từ năm 1996, sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Trong khi đó, gia đình ông Ngự, bà Phấn vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà ông Tiến, bà Tý. Theo lời khai của các người con ông Ngự, bà Phấn thì sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Mặt khác, sau khi chuyển nhượng và giao nhà đất cho ông Tiến, bà Tý thì ngày 26/4/1996, ông Ngự còn viết “giấy cam kết” có nội dung mượn lại phần nhà đất đã sang nhượng để ở khi xây dựng lại nhà trên phần đất còn lại và trong thực tế vợ chồng bà Phấn, ông Ngự đã sử dụng phần nhà đất của bà Tý, ông Tiến khi xây dựng nhà. Như vậy, có cơ sở xác định bà Phấn biết có việc chuyển nhượng nhà, đất giữa ông Ngự với vợ chồng ông Tiến và bà Tý, bà Phấn đã đồng ý, cùng thực hiện nên việc bà Phấn khiếu nại cho rằng ông Ngự chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà Tý bà không biết là không có căn cứ.
Trường hợp thứ ba: Vợ hoặc chồng tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung, nhưng một bên không biết và khi họ biết đã có sự phản đối 
Như đoạn trên đã phân tích, những loại giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị không lớn so với khối tài sản chung và việc vợ, chồng thực hiện giao dịch cũng không vì các nhu cầu thiết yếu của gia đình, thông thường không có việc kiện tụng giữa vợ và chồng vì điều này. Vì vậy, vấn đề cần bàn đến ở đây rơi vào trường hợp việc giao dịch đó liên quan đến các tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, bắt buộc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa hai vợ chồng. Vi phạm trong giao dịch này chính là bên vợ, chồng đã định đoạt phần tài sản không phải của họ, nói cách khác, họ mang tài sản của người khác đi bán – bán cái không phải là của mình. Vậy hướng giải quyết thế nào? Có nhiều quan điểm khác nhau về điều này ở phương diện lý luận và thực tiễn.
Trước đây, hướng dẫn cho Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP, ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định: Bên vợ, chồng không được hỏi ý kiến khi tham gia giao dịch, có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch này vô hiệu theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Dân sự. Nghĩa là giao dịch vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về hình thức. Có lẽ cách nhìn nhận loại giao dịch này vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức có vẻ chưa thực sự thuyết phục, cần xác định đây là trường hợp vô hiệu về mặt nội dung sẽ hợp lý hơn, vì vợ, chồng của họ bán tài sản chung, tức là bán cả phần của chồng, vợ họ, nghĩa là bán cả tài sản không phải của mình cho người khác. Điều luật không nói rõ nếu có yêu cầu, Toà án sẽ tuyên bố vô hiệu toàn bộ hay chỉ tuyên vô hiệu một phần của giao dịch, song nếu dựa vào câu chữ của điều luật có lẽ Tòa án phải tuyên bố vô hiệu toàn bộ giao dịch, điều này cũng phù hợp trong bối cảnh tài sản này là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, nên không thể xác định cụ thể phần sở hữu của mỗi bên vợ, chồng, để tuyên bố phần giao dịch nào sẽ bị vô hiệu.
Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tại khoản 2 Điều 13 quy định: Trong trường hợp vợ, chồng định đoạt tài sản chung vi phạm qui định tại khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình, thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu. Điều luật trên cũng không nói rõ Tòa án tuyên bố vô hiệu như thế nào khi có yêu cầu.
Có quan điểm cho rằng, giao dịch trong trường hợp này không nên chấp nhận tuyên bố vô hiệu một phần, mà cần phải xác định vô hiệu toàn bộ. Người mang tài sản ra giao dịch có lỗi, nên khi có thiệt hại thì phải bồi thường, nhưng lỗi này không cho phép thừa nhận ½ hợp đồng[8]. Có quan điểm lại cho rằng, nên tuyên bố vô hiệu một phần hợp đồng[9].
Cũng có quan điểm lại khẳng định, trong một số trường hợp đặc biệt, giao dịch này không bị tuyên bố vô hiệu, mà vẫn có giá trị pháp lý, một trong số các trường hợp đó là khi một bên có nhu cầu giao dịch chính đáng, nhưng bên kia kiên quyết phản đối mà không có lý do chính đáng[10].
Thực tiễn giải quyết tại Toà án cũng không thống nhất về điều này. Có Toà án xác định toàn bộ giao dịch vô hiệu, có toà xác định giao dịch vô hiệu một phần, cũng có toà xác định giao dịch trên có giá trị pháp lý. Ví dụ hai trường hợp sau:
– Trường hợp thứ nhất: Chị Rồi và anh Giang kết hôn năm 1989, năm 1997 vợ chồng có mâu thuẫn nên ly thân khoảng 05 tháng. Năm 1998 quay trở về chung sống lại với nhau và nhận khoán đất ở nông trường Tân Lập 20.000 m2 để sản xuất nông nghiệp, năm 2001 được giao 0,12 ha đất để làm nhà ở. Sau khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, anh Giang chuyển nhượng cho anh Phong 0,66 ha đất với giá 47 triệu đồng và chuyển nhượng căn nhà trên diện tích 0,21 ha đất cho anh Tâm mà không có sự đồng ý của chị Rồi. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị Rồi đề nghị hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng (đối với phần quyền của chị)[11]. Trong vụ án này, Tòa cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều công nhận giá trị pháp lý của giao dịch, nhưng quan điểm của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao lại xác định giao dịch này vô hiệu một phần, với lập luận – Trong quá trình giải quyết vụ án, anh Tâm, anh Giang không có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, còn chị Rồi đề nghị huỷ một phần hợp đồng (phần quyền của chị). Trong trường hợp này lẽ ra phải xác định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa anh Giang và anh Tâm bị vô hiệu một phần (phần quyền sử dụng của chị Rồi)… Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm công nhận toàn bộ hợp đồng trên là không đảm bảo quyền lợi của chị Rồi.
– Trường hợp thứ hai: Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Linh và bà Thuỷ Hiện[12]. Ngày 9/11/2010 bà Linh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 1.884,4 m2 đất của bà Thuỷ Hiện. Việc chuyển nhượng được lập thành văn bản, có công chứng, tuy nhiên người đứng tên là chồng của bên bán không phải là ông Rua (chồng bà Thuỷ Hiện) mà là ông Bảy (người không liên quan đến quyền sử dụng thửa đất này). Sau khi ký công chứng, bà Linh làm thủ tục đăng bộ sang tên nhưng văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không đồng ý với yêu cầu của bà Linh, vì cho rằng ông Bảy không phải là chồng bà Thuỷ Hiện. Sau đó bà Linh gặp bà Thuỷ Hiện để yêu cầu tiếp tục hợp đồng, nhưng bà Thuỷ Hiện không đồng ý. Do vậy bà khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Thuỷ Hiện tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nói trên.
Trong vụ án này, toà cấp sơ thẩm không công nhận giao dịch giữa bà Linh và bà Thuỷ Hiện, vì không có sự đồng ý của ông Rua, chồng bà Thuỷ Hiện. Toà cấp phúc thẩm lại công nhận giá trị của giao dịch này, trên cơ sở chứng cứ là giấy đồng thuận của ông Rua – Tại đơn xin xác nhận giấy đồng thuận của ông Rua có nội dung: “…nay tôi kính nhờ Ủy ban nhân dân xã Bình Phú chứng nhận cho tôi được làm giấy đồng thuận, chấp thuận cho vợ tôi là bà Bùi Thị Thuỷ Hiện đứng thay tôi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….”. Tuy nhiên, quan điểm của Toà Dân sự Tòa án nhân dân tối cao trong vụ án này lại xác định giao dịch trên vô hiệu, với nhận định: …“Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Linh với bà Thuỷ Hiện và ông Bảy, không được sự đồng ý của ông Rua, nên bị vô hiệu…”
Qua các vụ án trên, có thể rút ra kết luận về cách giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao – Xác định giao dịch có giá trị pháp lý, hay giao dịch vô hiệu một phần, hay giao dịch bị vô hiệu toàn bộ là dựa vào ý chí của chính người vợ, chồng không được hỏi ý kiến khi chồng, vợ họ thực hiện giao dịch. Cụ thể, nếu bên vợ, chồng này yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu, thì Toà án sẽ tuyên bố giao dịch vô hiệu toàn bộ; nếu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu một phần (phần tài sản thuộc sở hữu của người này), Toà án sẽ tuyên giao dịch vô hiệu một phần (vô hiệu phần của người vợ, chồng yêu cầu), trong trường hợp này, phần giao dịch tương ứng với phần sở hữu của người chồng, vợ đứng ra giao dịch lại có giá trị pháp lý.
Hướng giải quyết như vậy tác giả cho rằng chỉ có thể vận dụng khi giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thuộc sở hữu chung theo phần, vì bản chất của loại sở hữu này là xác định được phần quyền sở hữu của các chủ sở hữu, còn với sở hữu chung hợp nhất, cụ thể ở đây là sở hữu chung của vợ chồng, khó có thể thuyết phục khi áp dụng. Bởi lẽ, bản chất của khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất là không xác định được phần quyền sở hữu của mỗi người, vì vậy, hiển nhiên cũng không thể biết được trong giao dịch mà vợ, chồng thực hiện liên quan đến khối tài sản chung, phần nào trong giao dịch thuộc sở hữu của chồng và phần nào thuộc sở hữu của vợ, để có thể quyết định phần giao dịch nào sẽ bị vô hiệu và phần giao dịch nào có giá trị. Vì vậy, cách giải quyết hợp lý là Toà án phải tuyên bố vô hiệu đối với toàn bộ giao dịch khi có yêu cầu.
Tóm lại, khi vợ, chồng tự ý định đoạt tài sản chung của vợ chồng mà vi phạm qui định về việc bàn bạc, thoả thuận giữa hai vợ chồng, điều dễ dàng nhận thấy là hành vi này đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác – bán tài sản của người khác (trong trường hợp này là bán tài sản của chồng/vợ) mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Vì vậy, giá trị pháp lý của những giao dịch này phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu tài sản đó.
Tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, vì vậy phần quyền sở hữu của vợ chồng trong khối tài sản này không được xác định. Khi vợ, chồng tự ý định đoạt mà vi phạm qui định về việc bàn bạc, thoả thuận giữa hai vợ chồng và có yêu cầu huỷ bỏ giao dịch của bên còn lại, Toà án cần phải huỷ bỏ toàn bộ giao dịch, để bảo vệ quyền lợi cho bên yêu cầu, cũng như bảo toàn khối tài sản chung của vợ chồng.

[1] Xem thêm Điều 27, Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[2] Khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[3] Khoản 1, Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4] Khoản 2, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5] Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, tập 2 – Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nxb. Trẻ, năm 2004, tr. 88.
[6] Đỗ Văn Đại, (2008), “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án”, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 74.
[7] Đỗ Văn Đại, (2008), “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án”, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.77, 78, 79.
[8] Đỗ Văn Đại, (2008), “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án”, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 273.
[9] Dẫn lại, Đỗ Văn Đại, “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án”, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 271.
[10] Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2004, tr.194.
[11] Quyết định Giám đốc thẩm số 141/2015/DS-GĐT ngày 22/4/2015 của Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân tối cao.
[12] Quyết định Giám đốc thẩm số 191/2015/DS-GĐT ngày 21/5/2015 của Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân tối cao.

TS. Lê Vĩnh Châu
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn)

Tin liên quan

Quy định của pháp luật về thời hạn ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự trong vụ việc dân sự và thực tiễn áp dụng

Nguyên nhân dẫn đến việc các quyết định được ban hành khi chưa đủ thời hạn có thể xuất phát từ việc chưa hiểu đúng về cách tính thời hạn, xác định sai thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của thời ...

Xem thêm

9 trường hợp buộc phải đổi sang mẫu sổ đỏ mới

Từ 01/01/2025, mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới chính thức bắt đầu được áp dụng. Mẫu sổ đỏ mới gồm một tờ có hai trang, in nền hoa văn trống đồng, màu ...

Xem thêm

Phân định bản chất pháp lý của quan hệ tranh chấp trong thừa kế di sản của NSƯT Vũ Linh

Theo nội dung Bản án sơ thẩm số 09/2025/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2025 về tranh chấp về thừa kế tài sản, yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ, sau khi cố nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Vũ Linh ...

Xem thêm