ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Bảo quản, xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự

1. Khái quát quy định về bảo quản, xử lý vật chứng

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Vật chứng là nguồn chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự; vật chứng là tài sản gắn liền với các quyền về tài sản của cá nhân, pháp nhân, vì vậy, pháp luật quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng.

Hiện nay, việc thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu được quy định tại các văn bản sau: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng (Nghị định số 18/2002 – được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 70/2013/NĐ-CP); Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BQP ngày 24/10/1998 của liên ngành trung ương hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; Thông tư số 58/2017/TT-BCA ngày 20/11/2017 của Bộ Công an quy định về công tác quản lý kho vật chứng trong Công an nhân dân; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của liên ngành trung ương quy định phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021); Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 129/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021).

Trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu liên quan. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thì các tài liệu, đồ vật thu thập được trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể là vật chứng của vụ án và được bảo quản, xử lý theo các quy định trên. Đối với các đồ vật, tài liệu không phải là vật chứng của vụ án thì các cơ quan có thẩm quyền phải trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó. Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ xử lý vi phạm hành chính, thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và xử lý đồ vật, tài liệu thu thập được theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định không khởi tố và xử lý đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền thu thập vật chứng. Tùy từng loại, vật chứng sẽ được bảo quản tại kho vật chứng hoặc tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan chuyên trách, giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của đồ vật, tài sản hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng cần bảo quản.

Về các biện pháp xử lý vật chứng, tùy từng loại, vật chứng có thể bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền xử lý vật chứng khi vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Đối với các vụ án được ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vụ án (trong đó có vật chứng) cho Viện kiểm sát có thẩm quyền; đối với các vật chứng đang được bảo quản tại kho vật chứng thì các kho vật chứng tiếp tục bảo quản vật chứng trong giai đoạn truy tố. Kết thúc giai đoạn truy tố, nếu Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can thì vật chứng của vụ án sẽ được chuyển đến kho vật chứng của cơ quan Thi hành án dân sự để phục vụ quá trình xét xử, thi hành án.

Đối với các vụ án được đưa ra xét xử, Hội đồng xét xử có thẩm quyền quyết định xử lý vật chứng. Đối với vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; nếu không bán được thì tiêu hủy. Sau khi bán vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản, số tiền thu được phải chuyển đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc nhà nước để quản lý.

Như vậy, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Cơ quan điều tra chỉ có thẩm quyền thu thập, bảo quản vật chứng và chỉ được quyết định xử lý vật chứng trong trường hợp đình chỉ điều tra. Đối với các vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì Cơ quan điều tra có thể bán hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, qua rà soát quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, chưa có điều khoản trực tiếp về bảo quản, xử lý đồ vật, tài liệu thu thập được trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Bất cập trong quy định về bảo quản, xử lý vật chứng

Thứ nhất, trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Trong thực tiễn, một số Cơ quan điều tra đã xây dựng kho đồ vật, tài liệu để bảo quản đồ vật, tài liệu, tài sản thu giữ trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, nhằm hạn chế tình trạng thất lạc, mất mát, hư hỏng đồ vật, tài liệu. Chế độ bảo quản, xử lý, nhập, xuất kho đồ vật, tài liệu và trách nhiệm của cán bộ được giao bảo quản đồ vật, tài liệu trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện tương tự như đối với kho vật chứng, có sổ sách theo dõi đồ vật, tài liệu trong mỗi vụ việc được nhập, xuất kho đồ vật, tài liệu; xây dựng quy định về chế độ thống kê, báo cáo định kỳ hàng tháng về số lượng, chất lượng vật chứng, đồ vật, tài liệu được bảo quản trong kho đồ vật, tài liệu và kho vật chứng, kịp thời phát hiện và xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu bị mất, thất lạc hoặc có biểu hiện hư hỏng.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Điều 13 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNNPTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của liên ngành trung ương quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ mới điều chỉnh về những vấn đề chung (thực hiện theo điểm đ khoản 1 Điều 90 và khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015), chưa cụ thể nên khó thực hiện.

Cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo quản tạm thời các tài sản, đồ vật, tài liệu trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm rất hạn chế và không đảm bảo về chất lượng, điển hình như việc không có tủ bảo quản chuyên dụng (như tủ bảo ôn, tủ sấy khô đối với các bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người, quả, cây thuốc phiện tươi). Một số Cơ quan điều tra phải bảo quản tại tủ lạnh, hộp xốp (do đơn vị tự mua) trong thời gian chờ làm thủ tục đưa tài liệu, đồ vật đi giám định tại Viện khoa học hình sự hoặc Viện pháp y quốc gia. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo những yếu tố sinh học phục vụ giám định.

Thứ hai, trong công tác bảo quản vật chứng

Theo quy định của pháp luật, vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy được niêm phong và gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, nơi cơ quan đang thụ lý vụ án có trụ sở. Tuy nhiên, đến nay còn một số Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chưa bố trí được kho vật chứng phục vụ việc bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy trên địa bàn; trong nhiều trường hợp, Cơ quan điều tra phải bảo quản các vật chứng này tại trụ sở Cơ quan điều tra, nên không bảo đảm an toàn, dễ dẫn đến cháy nổ.

Khó khăn chủ yếu khi bảo quản các loại vật chứng trong các vụ án kinh tế có tổ chức với quy mô lớn như máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị vật tư y tế trong các ngành sản xuất, phương tiện vận tải, thuốc, khoáng sản (than, quặng…), thiết bị năng lượng (các tấm pin mặt trời; máy móc liên quan…), xăng dầu, vật liệu nổ… là phải chi trả kinh phí thuê bến bãi, kho chứa hàng, kho lạnh bảo quản; trong khi đó, thời gian điều tra kéo dài (có vụ kéo dài nhiều năm), nên vật chứng dễ bị hư hỏng, xuống cấp, hết thời hạn sử dụng, mất giá trị; phải thuê kho, bãi quản lý với chi phí rất lớn, nhưng sau khi kết thúc hoạt động tố tụng, vật chứng bị bán hoặc tiêu hủy thì số tiền thu được không tương xứng với tiền thuê, quản lý, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015, vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng không có thẩm quyền xử lý loại vật chứng trên, mà thẩm quyền xử lý thuộc về các cơ quan chuyên ngành được pháp luật quy định như cơ quan kiểm lâm, cơ quan hải quan, cơ quan khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Tuy nhiên, trong thực tiễn xử lý một số vụ án về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Cơ quan điều tra thu giữ một lượng lớn động vật rừng thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm đang còn sống. Quá trình xác minh, thu thập, bảo quản vật chứng, xét thấy việc tạm giữ trong thời gian dài thì số động vật này sẽ chết, nên Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định; sau khi có kết quả giám định, căn cứ vào điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã tiến hành bàn giao vật chứng cho cơ quan kiểm lâm để thả toàn bộ số động vật hoang dã đó về lại tự nhiên theo Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu. Tuy nhiên, trong quá trình chờ giám định và bàn giao cho cơ quan kiểm lâm, do không có nơi nuôi nhốt nên Cơ quan điều tra phải tự chi trả kinh phí để thuê các cơ sở được cấp phép.

Bên cạnh đó, việc quản lý vật chứng trong điều tra vụ án hoàn toàn được thực hiện thủ công, chưa có phần mềm quản lý; chưa có chế độ thống kê, rà soát định kỳ số lượng, chất lượng vật chứng, dẫn đến công tác quản lý chưa thực sự chặt chẽ, việc thống kê gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, trong công tác xử lý vật chứng

Theo điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015, vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hoặc văn bản hướng dẫn như thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được”, nên một số cơ quan tiến hành tố tụng đã tự xác định một vật là vật chứng không còn giá trị theo quan điểm chủ quan. Điều này dẫn đến việc xử lý vật chứng không thống nhất, không đúng quy định của pháp luật.

Theo điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015, vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy. Tuy nhiên, pháp luật không quy định hình thức bán là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Trong thực tiễn, có cơ quan tiến hành tố tụng tự đánh giá một hàng hóa là mau hỏng để bán đấu giá, có cơ quan yêu cầu các cơ quan chuyên ngành thực hiện nội dung trên. Điều này dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, có lúc sai sót do đánh giá không chính xác một vật có mau hỏng hoặc khó bảo quản hay không. Vấn đề đặt ra là vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định? Việc bán đấu giá hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản do cơ quan nào thực hiện? Cơ quan tiến hành tố tụng tự thực hiện bán hay yêu cầu cơ quan chuyên ngành thực hiện quy trình bán đấu giá?

Đối với việc xử lý vật chứng là tài sản chưa xác định được chủ sở hữu: Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo tìm kiếm chủ sở hữu tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp từ chối nhận lại vật chứng, đồ vật, tài liệu, tài sản.

Đối với những vụ án bị tạm đình chỉ nhưng vật chứng có số lượng, giá trị lớn, nếu để lâu thì mất giá trị sử dụng (gỗ, thuốc lá nhập lậu…), thì việc xử lý hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, đa số vụ án bị tạm đình chỉ không xác định được thời hạn phục hồi, có thể kéo dài đến hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tiêu hủy hoặc bán đấu giá phải có quyết định tịch thu, tiêu hủy hoặc quyết định tịch thu bán sung quỹ nhà nước. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý loại vật chứng này.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan, sử dụng hiệu quả tài sản là vật chứng trong quá trình điều tra, hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát, hư hỏng tài sản, cũng như các ảnh hưởng tiêu cực khác gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác giả kiến nghị, đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiến hành tổng kết 05 năm thi hành BLTTHS năm 2015. Trong quá trình tổng kết, các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an cần kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về bảo quản, xử lý đồ vật, tài liệu thu thập được trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo quản, xử lý vật chứng trong các giai đoạn tiến hành tố tụng. Trong đó, cần nghiên cứu cơ chế xử lý hàng hóa tươi sống, hàng hóa dễ cháy, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật mà có hạn sử dụng ngắn hơn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo hướng: Cho phép Cơ quan điều tra bán theo quy định của pháp luật, sau đó, gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra tại Kho bạc nhà nước.

Hai là, cần nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về quản lý kho vật chứng (thay thế Nghị định số 18/2002) để hướng dẫn việc bảo quản đồ vật, tài liệu thu thập được trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; nghiên cứu xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn các quy định về xử lý đồ vật, tài liệu thu thập được trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và xử lý vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; trong đó, cần quy định cụ thể về vật chứng thuộc loại “mau hỏng”, “khó bảo quản”; trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch.

Ba là, cần quan tâm, bố trí kinh phí để Bộ Chỉ huy quân sự một số tỉnh xây dựng kho vật chứng phục vụ việc bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy; khẩn trương xây dựng hệ thống kho, bãi phục vụ bảo quản vật chứng trong các vụ án hình sự.

Bốn là, bố trí nguồn kinh phí xây dựng kho để bảo quản đồ vật, tài liệu, tài sản thu giữ trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm nhằm hạn chế tình trạng thất lạc, mất mát, hư hỏng đồ vật, tài liệu trong giai đoạn này; chế độ bảo quản, xử lý, nhập, xuất kho đồ vật, tài liệu và trách nhiệm của cán bộ được giao bảo quản đồ vật, tài liệu trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện tương tự như đối với kho vật chứng, có sổ sách theo dõi trong mỗi vụ việc được nhập, xuất kho đồ vật, tài liệu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo quản vật chứng, đồ vật, tài liệu; xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý đồ vật, tài liệu, gắn từng đồ vật, tài liệu, vật chứng với các vụ việc, vụ án của các đơn vị.

Năm là, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh nghiên cứu bố trí quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các kho vật chứng tại địa phương, bảo đảm phục vụ tốt công tác điều tra, xử lý tội phạm và thi hành án.

GS. TS. NGUYỄN NGỌC ANH – TS. NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG

Nguồn:Tạp Chí Toà Án Nhân Dân:https://tapchitoaan.vn/

Tin liên quan

Hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của Trung Quốc

Qua nghiên cứu Luật tổ chức Tòa án và Luật Thẩm phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tác giả xin giới thiệu về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và các cấp Thẩm phán của quốc gia này, đây có ...

Xem thêm

Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định của các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, tác giả kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015: Mở rộng đối ...

Xem thêm

Điều khoản “Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” trong hợp đồng xây dựng quốc tế

Điều khoản “miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm trễ” là một công cụ pháp lý thường được sử dụng trong các hợp đồng xây dựng quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề về tính hợp pháp của điều khoản này ...

Xem thêm