Khoản 5 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định: “5. Cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;
b) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự;
c) Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”.
Hỏi: Việc Phân loại án cho vào sổ theo dõi có ý nghĩa gì? Án chủ động và án theo đơn có theo dõi chung vào 01 Sổ theo dõi không? Sau khi vào sổ theo dõi, Chấp hành viên có tiến hành xác minh theo định kì hay chỉ khi nào có thông tin mới thì mới tiếp tục xác minh?
Người gửi: Nguyễn Việt Đại
Trả lời có tính chất tham khảo:
– Ý nghĩa của việc Phân loại án cho vào sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành:
Về lý thuyết, cơ sở để phân loại án là khả năng kinh tế hoặc khả năng thực hiện hành vi nhất định của người có nghĩa vụ chấp hành nội dung bản án, quyết định của Toà án theo một trình tự, thủ tục luật định do Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thực hiện. Do đặc điểm về điều kiện thi hành án luôn luôn biến động, ở thời điểm khác nhau thì các việc đã được phân loại cũng có sự thay đổi. Lúc này chưa có điều kiện thi hành án, thời điểm khác lại có điều kiện thi hành án.
Trong công tác thi hành án dân sự, việc phân loại án chính xác (có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành) có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết để Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự lập kế hoạch, bảo đảm việc thi hành án dân sự được kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật; đồng thời, để phục vụ công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc tuân thủ pháp luật thi hành án dân sự; mặt khác, bảo đảm chính xác số liệu thống kê thi hành án, phản ánh thực chất kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự; là cơ sở để công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định từ Điều 3 đến Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. Vì vậy, việc phân loại án chưa có điều kiện phải được vào sổ theo dõi riêng. Về việc này, Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác tư pháp đã giao 04 chỉ tiêu nhiệm vụ về thi hành án dân sự, trong đó có chỉ tiêu: “Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành”.
– Về việc lập sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án:
Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 29 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự quy định về lập, sử dụng và bảo quản các loại sổ thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự phải lập sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo Mẫu 10. Ngoài các loại sổ quy định tại Thông tư này, cơ quan thi hành án có thể lập các loại sổ khác phục vụ công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác thi hành án dân sự, hành chính.
Như vậy, theo quy định trên thì cơ quan Thi hành án dân sự chỉ lập 01 lập sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Trường hợp để phục vụ công tác quản lý, thuận lợi cho việc theo dõi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác thi hành án dân sự thì có thể lập riêng 02 sổ (Sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với án chủ động và Sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với án theo đơn yêu cầu).
– Về nội dung bạn muốn biết sau khi vào sổ theo dõi, Chấp hành viên tiến hành xác minh theo định kì hay chỉ xác minh khi nào có thông tin mới, chúng tôi trả lời như sau:
Theo điểm đ khoản 1 Điều 7 Luật thi hành án dân sự quy định: Người được thi hành án có quyền: “Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”.
Tại khoản 2 Điều 44 Luật thi hành án dân sự quy định:
“2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”.
Như vậy, đối với án theo đơn yêu cầu thi hành án thì người được thi hành án được thông báo về kết quả xác minh của Chấp hanh viên. Đồng thời, người được thi hành án có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan Thi hành án. Do vậy, việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Đối với khoản chủ động thi hành án mặc dù Luật thi hành án dân sự không quy định cụ thể nhưng theo tinh thần của Luật thì để kịp thời nắm bắt được thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải xác minh theo định kì.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)