ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRẦN LUẬT
(TRAN LUAT LAW OFFICE)

Trụ sở chính: 129 Dương Quảng Hàm, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM
Chi Nhánh - tỉnh Bình Dương: Đường ĐT 741, tổ 1, khu phố An Hoà, phường Hiệp Lợi, tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
ĐT: (08) 22144773
 Tran Luat Law Office

HOTLINE

0972.975.522

Thời hiệu khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Hỏi: Theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 thì thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính. Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo tôi hiểu, 90 ngày được tính từ ngày ban hành quyết định. Vào ngày thứ 90 từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu người bị xử phạt thực hiện khiếu nại quyết định xử phạt đó thì vẫn được thụ lý giải quyết đơn khiếu nại. Nếu quá thời hạn này thì việc khiếu nại không được thụ lý giải quyết. Tôi hiểu như vậy có đúng không? Thời hiệu này có tính ngày nghỉ lễ, tết hoặc ngày thứ 7, chủ nhật hay không?

Người gửi: Lương Văn Hợp

Trả lời có tính chất tham khảo:
1. Cách hiểu của bạn như trên là chưa chính xác:
Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:
1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
…………………………………..
8. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.
Mặt khác, khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính như sau:
1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Về thời hiệu khiếu nại, Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định như sau:
“Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 thì “thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng” là một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết.
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, thời hiệu khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc biết được quyết định xử phạt (không phải kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt). Trong ngày thứ 90, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc biết được quyết định xử phạt thì vẫn được xem là chưa hết thời hiệu, do đó, việc khiếu nại vẫn được thụ lý, giải quyết. Nếu quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc biết được quyết định xử phạt mà không có lý do chính đáng thì việc khiếu nại đó không được thụ lý giải quyết.
2. Thời hiệu khiếu nại có tính ngày nghỉ lễ, tết hoặc ngày thứ 7, chủ nhật hay không?
Hiện nay, Luật Khiếu nại năm 2011 có 02 cách quy định về thời gian để tính thời hạn, thời hiệu gồm “ngày” và “ngày làm việc”.
Ví dụ: “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính” (Điều 9) hay “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp” (Điều 32).
Tùy từng điều luật, nếu điều luật đó quy định rõ là “ngày” hay “ngày làm việc” thì cách tính thời gian sẽ áp dụng theo quy định của điều luật đó. Tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thời gian để tính thời hiệu khiếu nại là “ngày”, do đó, “90 ngày” này sẽ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết hoặc ngày thứ 7, chủ nhật. Trong trường hợp phát sinh ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

Tin liên quan

Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định 02 tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều ...

Xem thêm

Có quyền buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Trường hợp bị chiếm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết hay không

Xem thêm

Nguyên đơn có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gửi đơn đến Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh?

Nguyên đơn có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì gửi đơn đến Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh?

Xem thêm